Thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 - 2022” (Đề án số 242/TTg của Thủ tướng Chính phủ) và Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Cục QLXLVPHC&TDTHPL) đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình đối thoại về kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh.
Trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã luôn quan tâm, chỉ đạo việc xây dựng, tổ chức thực thi các quy định pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng thúc đẩy gia nhập thị trường, tạo môi trường pháp lý minh bạch, an toàn, thuận lợi để doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững. Nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chính là nhằm kịp thời bãi bỏ các rào cản pháp lý, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh. Kết quả rà soát các quy định pháp luật giúp phát hiện những tiêu chí còn chung chung, không rõ ràng, thiếu tính khả thi, có thể dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật, cũng như tăng rủi ro pháp lý và các chi phí bất hợp lý, ảnh hưởng đến sự sáng tạo, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…
Với vai trò là đơn vị tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong năm 2018, Cục QLXLVPHC&TDTHPL đã triển khai nhiều hoạt động như: (i) Phối hợp với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành xây dựng và tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh; (ii) Ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh; (iii) Thực hiện kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh tại một số Bộ, ngành Trung ương, UBND cấp tỉnh và doanh nghiệp địa phương với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành có liên quan; (iv) Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp nhằm nắm bắt thực tiễn thực hiện cũng như kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiên các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này; (v) Thực hiện “phản ứng chính sách” khi tiếp nhận, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh do doanh nghiệp, cơ quan báo chí cung cấp trên thực tế; (vi) Phối hợp thực hiện kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo quy định đối với một số ngành nghề cụ thể…
Việc triển khai nhiệm vụ nêu trên thể hiện quyết tâm, trách nhiệm của Bộ, ngành Tư pháp đồng hành cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo lập môi trường minh bạch, giản đơn, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, song vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Luật Đầu tư năm 2014./.
Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi THPL