DT Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Tương thích với các điều ước quốc tế

26/11/2018
DT Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Tương thích với các điều ước quốc tế
Ngày 23/11/2018, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với sự tham dự của pháp chế các bộ, ngành (Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Quốc phòng...), các cơ quan, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc. PGS – TS. Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ và TS. Michael Krakowski, Cố vấn trưởng, Giám đốc Dự án GIZ điều hành Hội thảo.


Ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ Biên tập dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thay mặt Ban Soạn thảo giới thiệu sự cần thiết ban hành và các nội dung chính của dự thảo Nghị định. Theo ông Nguyễn Thanh Tú, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 12/6/2017. Khoản 3 Điều 14 Luật này quy định: các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các hoạt động sau đây để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: a) Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật; b) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật. Đồng thời, khoản 4 Điều 14 Luật này quy định Chính phủ quy định chi tiết Điều này, bao gồm cả khoản 3 Điều 14.[1]
Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (khoảng 97%)[2], đang được quy định trong Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong năm 2017 và đầu năm 2018, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Nghị  định số 66/2008/NĐ-CP.[3] Kết quả tổng kết cho thấy, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã từng bước đi vào nề nếp, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và hình thành thói quen sử dụng tư vấn pháp luật của doanh nghiệp, góp phần giảm thiểu rủi ro pháp lý trong kinh doanh và gia tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong một số trường hợp, ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức; chưa có trọng tâm, trọng điểm; còn trùng lặp; chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng; kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa được quan tâm bố trí thỏa đáng[4]. Một trong những nguyên nhân của các hạn chế này là do một số quy định trong Nghị định số 66/2008/NĐ-CP còn vướng mắc, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn.
Trên cơ sở đó, ngày 01/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, trong đó có giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng “Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp)” trình Chính phủ ban hành năm 2018[5].
Do đó, theo ông Nguyễn Thanh Tú việc xây dựng, ban hành Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP là cần thiết để quy định chi tiết chế định về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời, để khắc phục các vướng mắc, bất cập của một số quy định trong Nghị định số 66/2008/NĐ-CP. Nghị định mới về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa hoạt động hỗ trợ pháp lý này đi vào thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, TS. Nguyễn Am Hiểu – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng việc hỗ trợ pháp lý cần đặt trong bối cảnh Nhà nước hỗ trợ pháp lý nói chung, không nên đặt nặng vấn đề chỉ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vì đối tượng là hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp lớn cũng rất cần sự hỗ trợ pháp lý của Nhà nước.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng tác động của kết quả doanh nghiệp sau khi được sử dụng dịch vụ pháp lý là rất khả quan, giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn và hạn chế các rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp. Theo kết quả điều tra Chỉ số PCI 2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, nhu cầu cần sử dụng dịch vụ pháp lý ở Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới rất lớn, phụ thuộc vào vùng miền, điều kiện kinh tế - xã hội.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Ông Lê Anh Văn – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển nguồn nhân lực cho rằng, việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, các nguyên tắc hỗ trợ cần chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, cần nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng và hoàn thiện về chính sách pháp luật cho doanh nghiệp, khuyến khích các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp hình thành bộ máy chuyên trách thuộc các hiệp hội doanh nghiệp tại địa phương để triển khai các nhiệm vụ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ngay sau khi Nghị định mới được ban hành.
Ông Quách Ngọc Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong thời gian tới, cần ưu tiên tư vấn pháp luật kinh doanh quốc tế, hợp đồng thương mại... là những vấn đề mà doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất thiếu và yếu như hiện nay.
Trên cơ sở ý kiến các chuyên gia, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, PGS – TS. Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, Hội thảo đã thu được rất nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia về dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó đại đa số ý kiến đề nghị sự cần thiết và sớm ban hành Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang Nhà nước gián tiếp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong đó việc ban hành Nghị định mới phải bao quát được các đối tượng cần hỗ trợ pháp lý như các phương án xin ý kiến của Ban Soạn thảo dự thảo Nghị định và quan trọng nhất là việc các bộ, ngành và địa phương phải có cơ chế để bố trí các khoản kinh phí hợp lý trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp./.

Trần Minh Sơn
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp
Ảnh: Phạm Hoàng Giang – Chương trình 585

 

 


[1] Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Luật này.

[2] Báo cáo ngày 11/4/2017 của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố chỉ số phát triển doanh nghiệp đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016.

[3] Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đề xuất, kiến nghị.

[4] Kết quả khảo sát năm 2017 của Bộ Tư pháp (Phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện - GIG) cho thấy: trong thời gian qua, 51% cơ quan nhà nước được khảo sát có bố trí kinh phí thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, còn lại 49% cơ quan nhà nước không bố trí kinh phí dành cho công tác này (Xin xem Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đề xuất, kiến nghị).  

[5] Trong thời gian chưa ban hành “Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 66/2008/NĐ-CP còn hiệu lực thi hành.