Ngày 21/11/2018 tại TP. Đà Nẵng, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp và Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (viết tắt là Chương trình 585) đồng tổ chức các Hội nghị đối thoại vướng mắc, bất cập quy định pháp luật về hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng và hướng hoàn thiện; đối thoại vướng mắc, bất cập trong quản lý tiền ảo và kiến nghị, hoàn thiện khung pháp lý quản lý tiền ảo với sự tham dự của đại diện Bộ Tư pháp, Ban Quản lý Chương trình 585, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. Đà Nẵng, Tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng, Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng và các cơ quan, tổ chức có liên quan, các doanh nghiệp và báo, đài tham dự đưa tin về Hội nghị. Ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp - Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585 chủ trì các Hội nghị đối thoại.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Chánh án (Phụ trách) Tòa dân sự Tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng cho rằng, trong thực tiễn công tác xét xử của tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng nhiều vướng mắc pháp lý trong thực tiễn áp dụng Bộ luật dân sự 2015 và các Luật chuyên ngành như Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp, các Nghị định của Chính phủ.... cần được trao đổi thống nhất áp dụng theo các nguyên tắc chung tiến bộ của Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về hợp đồng tín dụng, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về lãi suất
“không được vượt quá 20% năm của khoản tiền vay” trừ trường hợp pháp luật có liên quan quy định khác. Tuy nhiên, Điều 12 Luật ngân hàng Nhà nước năm 2010 và khoản 2,3 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định trong điều kiện bình thường lãi suất trong hoạt động ngân hàng sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất quy định tại Bộ luật dân sự. Chính vì vậy, thực tế lãi suất cho vay ngân hàng với khách hàng cao hơn mức trần lãi suất theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, đặc biệt lãi xuất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính hiện nay là rất cao, không giới hạn mà theo thỏa thuận của các bên tùy theo mức độ đơn giản của thủ tục và độ rủi ro đối với khoản vay theo đánh giá của bên cho vay, lãi thực tế các bên áp dụng có thể lên đến 55% đến 84%/năm, trong khi đó đối tượng đa số là cá nhân có điều kiện kinh tế khó khăn, vì nhiều lý do không tiếp cận được các nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội.
Thứ hai, về hợp đồng ủy quyền, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 15/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao về sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng quy định tiêu chí để phân biệt ủy quyền bằng văn bản là giấy ủy quyền khi ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản, ngược lại vấn đề trên thì phải lập hợp đồng ủy quyền có chữ ký của hai bên. Quy định này là mởi rộng hơn tiêu chí xác lập giấy ủy quyền hay hợp đồng ủy quyền so với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, tuy nhiên, nảy sinh trường hợp việc chứng thực chữ ký không tuân thủ đúng quy định pháp luật thì tòa án tuyên bố văn bản ủy quyền này vô hiệu hay không hay vẫn có hiệu lực pháp luật.
Thứ ba, vướng mắc về hợp đồng xây dựng, Điều 138 Luật Xây dựng định nghĩa “
Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự...” , định nghĩa là là không cần thiết dẫn đến hiểu nhầm việc phân biệt hợp đồng xây dựng với các hợp đồng khác như bảo hiểm, mua bán hàng hóa, hợp tác đầu tư... từ đó khiến cho tòa án khi thụ lý giải quyết các vụ việc tranh chấp hợp đồng xây dựng lại thụ lý giải quyết theo trình tự tố dụng dân sự mà không phải theo trình tự tố tụng đối với tranh chấp thương mại, số tiền tạm ứng án phí khác nhau, án phí khác nhau. Vì vậy, Luật Xây dựng không nên định nghĩa như trên mà đi thẳng vào định nghĩa hợp đồng xây dựng là sự thỏa thuận của các bên về một công việc cụ thể trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Ông Trần Đức Dương – Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. Đà Nẵng cho rằng, việc thống nhất cách hiểu, áp dụng các đạo luật chuyên ngành trên tinh thần tiến bộ của Bộ luật dân sự năm 2015 trong đó có các vấn đề liên quan đến vấn đề vô hiệu về hình thức, vấn đề không tuân thủ về hình thức phải được khuyến cáo của các cơ quan quản lý nhà nước; vấn đề bảo vệ quyền lợi bên thứ ba ngay tình; vấn đề thế chấp bất động sản; chế định phạt vi phạm hợp đồng; vấn đề hòa giải ở tòa án... cần được hiểu và áp dụng thống nhất trong các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo áp dụng đúng quy định của pháp luật và khuyến khích thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Đồng ý với ý kiến của các chuyên gia phát biểu tại Hội nghị, Ông Nguyễn Ngọc Ánh – Trưởng ban Ban Pháp chế, Tổng Công ty Điện Lực Miền Trung cho rằng trên thực tiễn áp dụng pháp luật hợp đồng, các cơ quan quản lý nhà nước cần tuyên truyền phổ biến và khuyến cáo nhiều hơn nữa nhằm đảm bảo việc thực hiện đúng pháp luật của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Tổng Công ty Điện Lực Miền Trung là đơn vị hàng đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin,
“Hợp đồng điện tử” đã được ứng dụng mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng Công ty và các công ty con góp phần hạn chế chi phí và đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tuy nhiên thực tiễn giải quyết tranh chấp các hợp đồng này cũng cần được hiểu thống nhất trong các cơ quan tố tụng.
Đại diện Ngân hàng Indovina Bank TP. Đà Nẵng cho rằng, việc trình bày hình thức trong hợp đồng tín dụng của các ngân hàng cũng là vấn đề cần được làm rõ, có tình trạng ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng nước ngoài không đưa “Quốc hiệu”, “Tiêu ngữ” tức là
“Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” lên trang đầu của hợp đồng mà chỉ đưa lô gô của ngân hàng lên trang đầu hợp đồng thì có bị vô hiệu hay không về hình thức khi có tranh chấp xảy ra tại tòa án? vấn đề này cũng đã được chuyên gia của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng và Viện Kiểm sát giải thích, hướng dẫn tại Hội nghị nhằm thống nhất áp dụng cho các ngân hàng.
Chiều cùng ngày, các chuyên gia, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng đã trao đổi các vấn đề liên quan đến khung pháp lý tiền ảo tại Việt Nam, trong đó, trao đổi, nhấn mạnh sự cần thiết hay không việc xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý tiền ảo, xu hướng mua bán, chuyển nhượng và sử dụng tiền ảo của các nước trên thế giới như Mỹ, Pháp... và đề xuất các kiến nghị, giải pháp đối với các cơ quan nhà nước Việt Nam trong thời gian tới nhằm bắt kịp với thời đại công nghệ số, cách mạng 4.0.
“Khoán 10 trong quản lý tiền ảo” cũng được các chuyên gia trao đổi, làm rõ để có các kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này.
Trên cơ sở ý kiến các chuyên gia, các nhà đầu tư và doanh nghiêp tham dự các Hội nghị đối thoại tại TP. Đà Nẵng liên quan đến pháp luật hợp đồng và tiền ảo, Ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp - Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585 đánh giá cao các ý kiến của các chuyên gia, nhất là tòa án nhân nhân, viện kiểm sát nhân dân, các doanh nghiệp tại Hội nghị nhằm trao đổi, làm rõ các vướng mắc, bất cập về vấn đề này, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp và Ban Quản lý Chương trình 585 tổng hợp các ý kiến góp ý, các vướng mắc thực tiễn áp dụng của các doanh nghiệp, tổ chức cũng như thực tiễn thực hiện tố tụng để có các kiến nghị nhất là trong công tác xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật chuyên ngành cho phù hợp với tinh thần tiến bộ của Bộ luật dân sự năm 2015 nhằm hạn chế các vướng mắc, khó khăn trong áp dụng pháp luật và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, xã hội./.
Trần Minh Sơn
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp