Tổng kết 5 năm công tác Đăng ký giao dịch bảo đảm: Góp phần minh bạch hoá thị trường tài chính, tín dụng.

01/12/2007
Ngày 30/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị đánh giá 5 năm triển khai công tác ĐKGDBĐ (2002 – 2007). Đến dự có Bộ trưởng Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Văn Sản, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cùng đại diện một số bộ, ban, ngành của trung ương, khách hàng và các đại biểu khác.

Pháp luật về ĐKGDBĐ được đánh giá cao

Theo bà Nguyễn Thuý Hiền - Cục ĐKQGGDBĐ (Bộ Tư pháp), 5 năm qua, công tác ĐKGDBĐ đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trước hết phải kể đến công tác xây dựng pháp luật. Đến nay, pháp luật về ĐKGDBĐ đã được xây dựng và hoàn thiện về cơ bản, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai đăng ký trong thực tiễn trong qua hàng loạt các cải cách về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân khi yêu cầu đăng ký và tìm hiểu thông tin về các giao dịch, tài sản. Từ đó, góp phần an toàn pháp lý cho các bên khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư trong và ngoài nước, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Do liên tục được hoàn thiện, hệ thống pháp luật về  ĐKGDBĐ đã có nhiều điểm tíên bộ được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao. Để mọi người dân và tổ chức có thể tiếp cận được các qui định pháp luật về ĐKGDBĐ, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT, Ngân hàng Nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp, Hiệp hội Ngân hàng và nhiều UBND cấp tỉnh  đã triển khai 100 đợt TTPBPL, TTPBPL qua website, báo chí… theo hướng mở rộng về đối tượng, địa bàn và đa dạng về phương thức thực hiện.

Xuất phát từ quan điểm cải cách hàng chính, Bộ Tư pháp đã thành lập các Trung tâm ĐKGD tài sản  tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng thuộc Cục ĐKQGGDBĐ theo mô hình ngành dọc, gọn nhẹ, linh hoạt, có thẩm quyền đăng ký không theo địa giới hành chính nhưng các dữ liệu được quản lý tập trung, thống nhấtn trong hệ cơ sở dữ liệu quốc gia các giao dịch, tài sản. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang gấp rút triển khai thực hiện đề án hiện đại hoá hệ thống cơ quan ĐKGDBĐ  nhằm tạo điều kiện thuộc lợi cho các tổ chức, cá nhân đăng ký và tìm hiểu thông tin trực tuyến qua mạng internet. Với hệ thống trung tâm này, nước ta đã thành công trong việc xây dựn hệ thống ĐKGDBĐ bằng động sản theo mô hình tiên tiến trên thế giới và đã được Ngân hàng châu Á tổng kết, đưa thành một ví dụ tiêu biểu để các quốc gia trong khu vực tham khảo.

Ngoài ra, cho đến nay, cả nước đã có 3 cơ quan thực hiện ĐKGDBĐ bằng tàu biển đặt tại Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM, thành lập và hoạt động từ năm 2002; 64 Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc các Sở TN&MT; 257 văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng TN&MT, củng cố 416 phòng TN&MT đối với những nơi chưa hoặc không thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; tạo điều kiện cho các UBND cấp xã (nông thôn) thực hiện đăng ký việc thế chấp của hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp được Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Trưởng phòng TN&MT (nơi chưa có Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất) uỷ quyền bằng văn bản. Người trực tiếp thực hiện uỷ quyền là cán bộ địa chính xã.

Hoạt động ĐKGDBĐ đã đi vào nề nếp với việc thực hiện đúng các qui định về hồ sơ, trình tự, thủ tục ĐKGDBĐ của các cơ quan có thẩm quyền. Người dân cũng quan tâm hơn tới hoạt động ĐKGDBĐ, ngày càng nhiều chủ thể tham gia hoạt động ĐKGDBĐ, đặc biệt là các tổ chức tín dụng. Do đó, số lượng các GDBĐ ngày càng tăng, tạo ra nguồn thông tin phong phú, giúp minh bạch hoá thị trường tài chính, tín dụng.

Sẽ xây dựng Luật ĐKGDBĐ

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và các khó khăn trong quá trình hoạt động, bà Nguyễn Thuý Hiền cho rằng, mục tiêu cơ bản và lâu dài của công tác ĐKGDBĐ là xây dựng hệ thống ĐKGDBĐ tập trung, hiện đại hoá, nối mạng, thuận tiện để phục vụ tốt nhất cho cá nhâ, tổ chức có nhu cầu đăng ký và tìm hiểu thông tin về GDBĐ, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được mục tiêu này, trước hết cần xây dựng và ban hành Luật ĐKGDBĐ (dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ tư (2008), hoàn thiện một số lĩnh vực pháp luật liên quan như pháp luật về ĐKGDBĐ, pháp luật về đăng ký bất động sản, bao gồm cả đăng ký quyền sử dụng đất  và pháp luật về tố tụng dân sự. Tiếp đó là tăng cường công tác TTPBPL, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ ĐKGDBĐ để có đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ cao; thường xuyên kiểm tra công tác quản lý công tác ĐKGDBĐ; nâng cao hiệu quả phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan và mở rộng hợp tác quốc tế.

Ngoài việc thực hiện các biện pháp nêu trên để tăng cường công tác quản lý hoạt động ĐKGDBĐ, còn cần phải thực hiện một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm đảm bảo nguyên tắc pháp chế và đưa pháp luật vào cuộc sống là tổ chức thực thi nghiêm chỉnh pháp luật về  ĐKGDBĐ, đồng thời áp dụng các giải pháp để nâng cao ý thức pháp luật của người dân và ý thức chấp hành pháp luật của các cán bộ làm công tác ĐKGDBĐ. Tiếp đến là kiện toàn bộ máy các cơ quan có thẩm quyền ĐKGDBĐ, tăng cường năng lực cho cán bộ ĐKGDBĐ, tạo điều kiện thuận lợi về vật chất, kỹ thuật cho các cơ quan ĐKGDBĐ và tăng cường ứng dụng tin học vào hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin.

Tại Hội nghị này, Cục ĐKQGGDBĐ đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp như một sự ghi nhận cho những kết quả mà Cục ĐKQGGDBĐ đã đạt được bằng nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ ĐKGDBĐ trong cả nước suốt 5 năm qua, đồng thời là lời động viên, khích lệ để cán bộ, nhân viên trong Cục tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới./.

Hương Giang