Hội nghị tổng kết 4 năm thi hành Nghị định 65/2003/NĐ-CP và đóng góp dự thảo Nghị định về tư vấn pháp luật.

27/11/2007
Ngày 24 và 25/11/2007 Bộ Tư pháp phối hợp Dự án JUDGE tổ chức Hội nghị tổng kết 4 năm thi hành Nghị định số 65/2003/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật và lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định thay thế nghị định trên. Tham dự hội nghị có đại biểu đại diện Sở Tư pháp, Liên đoàn lao động, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội luật gia và các Trung tâm tư vấn pháp luật 32 tỉnh, thành phố từ Đà Nẳng đến Cà Mau. Chủ trì ông Nguyễn Văn Thảo Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp.

Qua 4 năm tổ chức thực hiện Nghị định 65/2003/NĐ-CP cả nước có 60 Trung tâm tư vấn pháp luật và 27 chi nhánh của Trung tâm đăng ký hoạt động tại 30 tỉnh, thành phố, tập trung thuộc các tổ chức: Công đoàn, Hội luật gia, Hội nông dân, Hội phụ nữ…Ngoài các Trung tâm tư vấn pháp luật, các đoàn thể còn có mô hình Văn phòng tư vấn pháp luật (29 Văn phòng) và gần 200 Tổ tư vấn pháp luật được thành lập theo Quyết định 785/QĐ-TLĐ của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam thực hiện tư vấn pháp luật rất hiệu quả bảo vệ được quyền lợi người lao động và chủ doanh nghiệp. Một số địa phương tuy chưa thành lập được Trung tâm tư vấn pháp luật nhưng các tổ chức, đoàn thể bằng nhiều hình thức đã kết hợp giữa tư vấn pháp luật và tuyên truyền, phổ biến pháp luật để đoàn viên, hội viên và nhân dân nắm bắt được các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân tổ chức thực hiện. Có 12 Văn phòng hoặc Trung tâm tư vấn pháp luật được thành lập trước đây, do không đủ điều kiện chuyển đổi và hoạt động theo Nghị định đã chấm dứt hoạt động.

Về hình thức tư vấn khá đa dạng và thường xuyên đổi mới phù hợp đối tượng như: tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, bằng văn bản, tư vấn lưu động, lồng ghép trong sinh hoạt của đoàn thể, Câu lạc bộ…Đối tượng được tư vấn đa dang, tuy nhiên thành viên của các tổ chức, người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc là đối tượng chủ yếu được tư vấn miễn phí và chiếm từ 70 đến 80% số lượng vụ việc tư vấn.

Qua hơn 4 năm hoạt động thì công tác tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp được các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân đánh giá đã đáp ứng  được một phần yêu cầu của các đối tượng được tư vấn. Vai trò của các Trung tâm tư vấn được khẳng định là rất cần thiết nhất và đây là mô hình tư vấn ít tốn kém và có ý nghĩa xã hội rất lớn, chủ yếu là tư vấn miễn phí và phục vụ đông đảo giới, đoàn thể trong xã hội. Hơn nữa họat động tư vấn pháp luật có mối liên hệ khăng khít và hỗ trợ với phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật đối với các tầng lớp nhân dân, phục vụ có hiệu qủa đối với tượng nghèo, diện chính sách và thành viên của tổ chức.

Tại hội nghị đã có 18 tham luận và ý kiến tham gia đóng góp về dự thảo báo cáo, phương hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả họat động tư vấn pháp luật tập trung:  hình thức tư vấn pháp luật có hiệu quả, quản lý Nhà nước đối với hoạt động tư vấn, những hạn chế trong công tác tư vấn và rất nhiều ý kiến về việc đưa ra các giải pháp tư vấn pháp luật có hiệu quả, phù hợp từng vùng, đối tượng, giới, những giải pháp để mở rộng mạng lưới tư vấn pháp luật, nâng cao chất lượng trách nhiệm của tư vấn viên. Các biện pháp hỗ trợ đối với hoạt động tư vấn pháp luật như hoàn thiện và nâng cao cơ sở pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng các hình thức tư vấn pháp luật, nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng tư vấn, mở rộng hình thức tư vấn pháp luật có hiệu qủa, tăng cường công tác bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kỹ năng tư vấn pháp luật, tạo điều kiện về cơ sở vất chất cho hoạt động tư vấn pháp luật…

Về đóng góp Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 65/2003/NĐ-CP các đại biểu đã gởi văn bản và nhiều ý tham gia đóng góp trực tiếp tại hội nghị trong đó tập trung vào ý kiến sau:

- Nhất trí như dự thảo bổ sung  đối tượng thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật là các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên khoa học chuyên ngành luật để tăng cường chất lượng và mở rộng họat động tư vấn pháp luật.

- Về hình thức tư vấn pháp luật đa số ý kiến đề nghị không nên quy định 2 hình thức là Trung tâm tư vấn pháp luật miễn phí và Trung tâm tư vấn pháp luật có thu phí, mà chỉ thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật trong đó quy định nếu thuộc đối tượng miễn phí thì đều được miễn phí. Vì thực tế thời gian qua các Trung tâm tư vấn có thu phí vẫn tư vấn miễn phí đối với các đối tượng chính sách, người nghèo và thành viên của tổ chức mình và quy định như vậy tạo điều kiện cho các Trung tâm có điều kiện trang trải một phần kinh phí hoạt động.

- Về tiêu chuẩn và trách nhiệm của người thực hiện tư vấn: đa số các ý kiến đề nghị Giám đốc của Trung tâm phải là tư vấn viên hoặc luật sư vì hoạt động tư vấn là hoạt động chuyên về pháp luật, đòi hỏi người đứng đầu tổ chức phải có kiến thức pháp luật để thuận lợi trong việc hoạt động của Trung tâm. Về tiêu chuẩn tư vấn viên có nhiều ý kiến khác nhau:

+ Một số ý kiến không nên có sự phân biệt tiêu chuẩn tư vấn viên có thu phí và không thu phí, vì phí không là cơ sở để quyết định chất lượng tư vấn.

+ Một số ý kiến đề nghị tiêu chuẩn tư vấn viên ngoài các tiêu chí về trình độ năng lực chỉ cần là người được bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư.

- Về trách nhiệm dân sự tư vấn viên  và mức phí tư vấn thống nhất như dự thảo nhằm nâng cao chất lượng và trách nhiệm của người thực hiện tư vấn. Mức phí nâng lên phù hợp thực tế.

- Đề nghị Ban dự thảo bổ sung khái niệm tư vấn pháp luật vào nghị định nhằm tạo điều kiện hiểu rõ hơn về phạm vi hoạt động tư vấn.

Và rất nhiều ý kiến thảo luận về chế thuế của Trung tâm tư vấn pháp luật, trách nhiệm của người tư vấn pháp luật, phạm vi hoạt động của tư vấn viên trong tham gia tố tụng, đăng ký họat động của các Trung tâm…

Qua 2 ngày làm việc sôi nổi, Ban tổ chức tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, hoàn chỉnh báo cáo và Dự thảo nghị định, đồng thời ghi nhận khó khăn vướng mắc trong hoạt động tư vấn từ đó tạo điều kiện để hoạt động tư vấn pháp luật hiệu quả và thiết thực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội

 Huỳnh Lệ Thủy.