Hội thảo thúc đẩy phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia

20/11/2007
Trước tình hình hoạt động buôn bán phụ nữ và trẻ em ở nước ta ngày càng đa dạng và nghiêm trọng, ngày 19/11 tại khách sạn Melia, Hà Nội, Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Bộ Tư pháp, Hội nghị sĩ Việt Nam về Dân số-Phát triển, UNIAP tổ chức Hội thảo thúc đẩy phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và chuẩn bị tham gia Dự án Luật phòng chống buôn bán người.

Hội thảo đã bàn về các vấn đề nóng bỏng, nhức nhối về tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam và cả buôn bán nam giới qua biên giới; Pháp luật Việt Nam về phòng chống buôn bán người và sự tương thích của hệ thống pháp luật trong nước với tinh thần Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC) và Nghị định thư bổ sung về chống buôn bán người. Các đại biểu thống nhất rằng thực trạng về buôn bán người ở Việt Nam ngày càng gia tăng, phức tạp dưới nhiều hình thức như môi giới lấy chống nước ngoài, xuất khẩu lao động, nhận nuôi con nuôi, thăm thân, du lịch…nhằm lừa đảo đưa người ra nước ngoài sử dụng dụng vào mục đích mại dâm, cưỡng ép hôn nhân, bóc lột sức lao động, khai thác nội tạng…Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bỏ nhà đi khỏi địa phương, lang thang, tìm việc, có trình độ nhận thức thấp, hiểu biết kém. Nguyên nhân là do quản lý nhà nước còn nhiều sơ hở, bất cập, và chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, hệ thống pháp luật về phòng chống buôn bán  người còn thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, phân tán ở nhiều văn bản pháp luật. Hơn nữa loại tội phạm này mang tính chất có tổ chức xuyên quốc gia, chúng ta lại thiếu các hiệp định song phương và đa phương về phòng chống buôn bán người, một số công ước, nghị định thư quốc tế về phòng, chống buôn bán người ta chưa phê chuẩn và gia nhập nên rất khó khăn trong phối hợp, xác minh, điều tra, bắt giữ tội phạm, dẫn độ tội phạm, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân. Hội thảo thống nhất rằng việc phê chuẩn Công ước TOC và gia nhập Nghị định thư bổ sung về chống buôn bán người, việc xây dựng Luật phòng, chống buôn bán người là cần thiết để tạo ra cơ sở pháp lý có hiệu quả bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của nhân dân, thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới trong đấu tranh, phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người.

Kết thúc hội thảo, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh rằng ta nên sớm phê chuẩn công ước TOC và tham gia nghị định thư bổ sung về chống buôn bán người, và hy vọng rằng Quốc hội khoá XII sẽ đưa việc xây dựng Luật phòng, chống buôn bán người vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII (2007 – 2011).

Vy Khánh