Phát huy vai trò của tổ chức pháp chế trong triển khai công tác PBGDPL tại các bộ, ngành trung ương

28/06/2018
1. Theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật. Nhà nước bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền này (Điều 2). PBGDPL được xác định là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt (khoản 1, Điều 3); trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của nhân dân; tổ chức PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý (khoản 1, Điều 25). Mỗi cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân có trách nhiệm tích cực tìm hiểu, học tập pháp luật; gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật; chủ động, tích cực kết hợp thực hiện việc PBGDPL thông qua các hoạt động chuyên môn, thực thi nhiệm vụ (Điều 34). Đặc biệt, theo Luật Tổ chức Chính phủ, Luật PBGDPL, PBGDPL được xác định là một nội dung của công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (gọi tắt là Thủ trưởng Bộ, ngành Trung ương) là phải tổ chức triển khai công tác PBGDPL trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý (khoản 7, Điều 6, Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ). Đây cũng là nhiệm vụ được Chính phủ giao cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải triển khai thực hiện trong các Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
2. Để giúp Thủ trưởng Bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện nhiệm vụ này, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế đã xác định trong lĩnh vực PBGDPL, tổ chức pháp chế Bộ, ngành có các nhiệm vụ: i) Chủ trì lập chương trình, kế hoạch PBGDPL dài hạn, hàng năm trình Thủ trưởng Bộ, ngành và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt; ii) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức PBGDPL về ngành, lĩnh vực quản lý; hướng dẫn, kiểm tra công tác PBGDPL của các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; iii) Định kỳ 6 tháng, hàng năm tiến hành kiểm tra, sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện công tác PBGDPL báo cáo Thủ trưởng Bộ, ngành Trung ương; iv) Định kỳ 6 tháng, hàng năm xây dựng báo cáo về kết quả công tác PBGDPL trình Thủ trưởng Bộ, ngành Trung ương gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chính phủ (khoản 4, Điều 3). Quy định trên cho thấy tổ chức pháp chế Bộ, ngành Trung ương có vị trí, vai trò rất quan trọng, là đầu mối chủ trì, tham mưu giúp Thủ trưởng Bộ, ngành Trung ương triển khai công tác PBGDPL, cả trong PBGDPL chuyên ngành và cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
3. Sau 05 năm triển khai thi hành Luật PBGDPL, qua theo dõi của Bộ Tư pháp cho thấy các tổ chức pháp chế đã rất nỗ lực, cố gắng tham mưu, giúp Thủ trưởng Bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác PBGDPL, nhất là tham mưu ban hành, triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án, Kế hoạch trung hạn và hằng năm về PBGDPL; triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật, Pháp lệnh, văn bản mới ban hành thuộc phạm vi quản lý nhà nước; cho cán bộ, công chức, viên chức trực thuộc. Đã đăng tải đầy đủ, kịp thời các văn bản mới ban hành trên cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia, Cổng thông tin điện tử; Công báo Chính phủ. Việc tổ chức họp báo, ra thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, đi vào nền nếp. Công tác phối hợp, lồng ghép ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Hội đồng phối hợp PBGDPL, đội ngũ Báo cáo viên pháp luật được củng cố, kiện toàn với nhiều giải pháp đột phá nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật từng bước đi vào nề nếp, trở thành việc làm thường xuyên, hàng ngày. Ý thức tự học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức được nâng lên. Qua đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; quản lý xã hội bằng pháp luật;
4. Bên cạnh đó việc triển khai nhiệm vụ này tại một số Bộ, ngành Trung ương vẫn còn hạn chế như: Chậm đổi mới nội dung, chưa đa dạng hóa các hình thức; chất lượng, hiệu quả chưa cao, chưa thường xuyên, liên tục và rộng khắp. Công tác PBGDPL chuyên ngành chưa tạo được chuyển biến căn bản, toàn diện trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong lĩnh vực được giao quản lý và trong đội ngũ cán bộ, công chức trực thuộc. Việc lập Kế hoạch còn dài trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, cá biệt còn trùng lắp; thiếu nguồn lực và điều kiện bảo đảm thực hiện. Hiệu quả hoạt động của đội ngũ Báo cáo viên pháp luật chưa cao; công tác PBGDPL trong nhà trường thuộc phạm vi quản lý chưa được chú trọng đúng mức. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn nội dung, chủ đề, hình thức; việc phối hợp, lồng ghép, sơ kết, tổng kết mô hình chưa được chú trọng đúng mức.
5. Trước yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với công tác PBGDPL rất cao, gắn với việc triển khai thực hiện trách nhiệm pháp lý được giao cho Thủ trưởng Bộ, ngành theo Luật PBGDPL cũng như yêu cầu mới của Chính phủ. Bộ Tư pháp đề nghị tổ chức pháp chế các Bộ, ngành tập trung tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất,nhận diện đầy đủ vai trò, ý nghĩa của công tác PBGDPL với tư cách là một nội dung quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà Thủ trưởng Bộ, ngành phải triển khai thực hiện; rà soát, xác định rõ trách nhiệm PBGDPL chuyên ngành và cho đội ngũ cán bộ, công chức được giao quản lý để tham mưu Thủ trưởng Bộ, ngành tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và có hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Luật PBGDPL;
Thứ hai, làm tốt công tác lập Chương trình, Đề án, Kế hoạch trung hạn và hằng năm bảo đảm trọng tâm, trọng điểm sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu của xã hội và khả năng cân đối nguồn lực; bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ để tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ vướng mắc, bất cập, điểm nghẽn lớn; gắn với các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội nhằm tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện;
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước để làm tốt nhiệm vụ chuẩn bị đề cương, tài liệu PBGDPL chuyên sâu; tổ chức họp báo công bố Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết; ra thông cáo báo chí về văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành liên quan đến lĩnh vực quản lý; đăng tải, cập nhật kịp thời văn bản mới ban hành trên Cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia; Công báo; Cổng/Trang thông tin điện tử; mạng lưới thông tin, truyền thông trực thuộc; rà soát giáo trình tài liệu dạy học pháp luật trong nhà trường; kịp thời định hướng chủ đề, nội dung, hình thức PBGDPL.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PBGDPL chuyên ngành; tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL gắn với triển khai tuyên truyền, phổ biến các Luật, Pháp lệnh, văn bản mới ban hành thuộc phạm vi quản lý phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, nhóm đối tượng, chú trọng nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương hoặc gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin về pháp luật. Đổi mới các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam bảo đảm thực chất, thường xuyên để gắn kết công tác PBGDPL với xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật. Tăng cường đối thoại để tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách; chú trọng khâu truyền thông chính sách đối với các dự thảo văn bản, nhất là những vấn đề mới, sửa đổi, bổ sung hoặc có tác động lên đời đống xã hội. Chú trọng chất lượng, hiệu quả PBGDPL gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư số 03/2018/TT-BTP ngày 10/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp  ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.
Thứ năm, phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho đơn vị, cá nhân làm đầu mối tham mưu triển khai nhiệm vụ công tác PBGDPL; nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL; phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của đội ngũ Báo cáo viên pháp luật trong tham mưu triển khai nhiệm vụ PBGDPL;
Thứ sáu, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Bộ, ngành, đoàn thể có liên quan trong triển khai nhiệm vụ công tác PBGDPL thuộc phạm vi quản lý; phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của đại diện là thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương, Ban Thư ký giúp việc Hội đồng trong công tác này.
Thứ bảy, bảo đảm đủ nguồn lực, kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác PBGDPL chuyên ngành; tăng cường công tác phối kết hợp, lồng ghép các nguồn lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ gắn với khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bảo đảm cho công tác PBGDPL; tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội tham gia PBGDPL theo chủ trương xã hội hóa; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL chuyên ngành.
Thứ tám, quán triệt đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm túc Thông báo số 1672/TB-TTKQH ngày 09/4/2018 của Tổng Thư ký Quốc hội về Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại phiên họp lần thứ 22; Công văn số 3689/VPCP-QHĐP ngày 20/4/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện Kết luận về chất vấn tại phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch triển khai thực hiện của Bộ Tư pháp; tiếp tục đẩy mạnh công tác PBGDPL, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý bằng các giải pháp cụ thể.
Ts. Đỗ Xuân Lân