Hôm qua (28/3), Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “Các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách tư pháp (CCTP) từ thực tiễn thực hiện vai trò, chức năng của Chính phủ”. Đại diện các cơ quan tư pháp và nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh đến vai trò của Chính phủ trong thực hiện chủ trương CCTP.
Vai trò quan trọng của Chính phủ trong CCTP
Báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương cho thấy, Chính phủ có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện hoạt động CCTP, thông qua việc tổ chức, thực thi pháp luật; đề xuất xây dựng luật; quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và công vụ; bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc… Cụ thể, đề xuất xây dựng Luật, Pháp lệnh của Chính phủ luôn bám sát các định hướng đã được xác định trong các Nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị về CCTP. Các dự án Luật được xây dựng, ban hành trong thời gian vừa qua đã góp phần đưa công tác này đi vào chiều sâu và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong CCTP hiện nay. Ban Cán sự đảng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, hoàn thiện về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ tư pháp theo Hiến pháp 2013, tham gia ý kiến đối với các Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc triển khai các nhiệm vụ CCTP của Chính phủ có một số bất cập, hạn chế. Chẳng hạn như việc lập chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh theo nhiệm kỳ hàng năm trong một số trường hợp chưa sát thực tế, thiếu dự báo mang tính chiến lược và sắp xếp thứ tự ưu tiên chưa hợp lý; Một số dự án Luật trong lĩnh vực tư pháp có nội dung khá phức tạp nhưng chưa được xử lý kịp thời, dẫn đến tình trạng Luật thiếu khả thi. Nhiều dự án Luật phải điều chỉnh xin rút, trong đó có các Luật thuộc lĩnh vực tư pháp, ảnh hưởng đến hoạt động của Quốc hội…
|
|
Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương Trịnh Xuân Toản phản ánh thực tế, trọng tâm công tác CCTP đã xác định Tòa án là trung tâm nên yêu cầu đặt ra vấn đề tranh tụng trong xét xử tại Tòa án là rất quan trọng và tất yếu. Tuy nhiên, để thực hiện được vấn đề tranh tụng thực sự theo tinh thần CCTP thì cần thiết sửa các Luật về tố tụng cho phù hợp. Bên cạnh đó, phải coi cán bộ là cốt lõi trong thực hiện nhiệm vụ này, đòi hỏi chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Đặc biệt, Chính phủ với vai trò nhiệm vụ của mình cần quan tâm hơn việc phân bổ ngân sách cho các cơ quan Tư pháp để các cơ quan này có thể chủ động trong công tác chuyên môn của mình…
Đồng tình, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cũng cho rằng, để công tác CCTP thành công, Chính phủ cần làm một số nhiệm vụ trong thời gian tới là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp; tuyên truyền, giáo dục pháp luật; chăm lo cơ sở vật chất cho các cơ quan Tư pháp. Cùng với đó là việc hỗ trợ các chức danh tư pháp hoạt động hiệu quả và nhất là phải chịu trách nhiệm chính về chất lượng các đạo luật.
Hướng tới xây dựng Tòa án điện tử
Cũng đề cao vai trò của Chính phủ trong công tác CCTP, GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận thấy thời gian qua CCTP đã có một bước tiến rõ rệt, nhất là thời gian gần đây có nhiều đổi mới trong các phiên tòa. Phân tích về quyền hành pháp và quyền tư pháp, ông Đường cho rằng Chính phủ là cơ quan hành pháp, nên việc đầu vào xây dựng chính sách, thể chế là nhiệm vụ quan trọng, hoạt động tư pháp tốt hay không phụ thuộc vào hoạt động lập pháp của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Đường thẳng thắn chỉ ra nhiều dự án Luật Chính phủ “khoán trắng” cho các cơ quan thực hiện mà chưa thể hiện trách nhiệm của Chính phủ trong đó. “Nếu không có chính sách tốt thì Tòa án áp dụng rất khó khăn, làm sao có thể bảo vệ quyền con người, quyền công dân”, ông Đường nêu.
|
|
Là trung tâm của công tác CCTP, đại diện đến từ TANDTC chia sẻ các công việc mà cơ quan này đã triển khai thực hiện. Đánh chú ý, TANDTC đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn hệ thống Tòa án. Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 04 hướng dẫn về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử. Theo đó, các đương sự, người tham gia tố tụng được gửi, nhận đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ trên Cổng thông tin điện tử của TAND. Đây là một bước đi cụ thể nhằm tạo hành lang pháp lý tiến tới xây dựng Tòa án điện tử. Trong thời gian tới, khi tiến hành xây dựng Tòa án điện tử, sẽ cần nguồn ngân sách và cơ sở vật chất lớn nên đại diện TANDTC đề nghị ưu tiên quan tâm, đầu tư về nguồn ngân sách cần thiết, có lộ trình để xây dựng Tòa án điện tử.
Thục Quyên