Khai giảng Khóa I đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư

26/03/2018
Khai giảng Khóa I đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư
Chiều ngày 24/3/2018, Học viện Tư pháp long trọng tổ chức Lễ khai giảng Lớp đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư khóa 1. Đại diện một số đơn vị thuộc Bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan tới dự. Cùng dự có Giám đốc Học viện Tư pháp Đoàn Trung Kiên cùng các cán bộ, giảng viên Học viện cũng tham dự chúc mừng Lễ khai giảng.

 
Mặc dù đã có nhiều năm đào tạo chức danh tư pháp nhưng đây là lần đầu tiên Học viện Tư pháp tổ chức khóa đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao theo Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”; mở ra mô hình hoàn toàn mới trong đào tạo chức danh tư pháp ở Việt Nam. Đây là thành quả của quá trình dày công nghiên cứu kinh nghiệm đào tạo chung 3 chức danh tư pháp của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Đức, Pháp và công phu chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức khóa đào tạo chung các chức danh của Học viện Tư pháp.
Việc thực hiện đào tạo chung Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trong một chương trình thống nhất sẽ trang bị mặt bằng kiến thức chung, tạo sự hiểu biết lẫn nhau về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, nhằm bảo đảm nguyên tắc tranh tụng đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và các bộ luật, luật liên quan; tạo điều kiện thực tế thực hiện chủ trương lựa chọn để bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên từ luật sư, luật gia giỏi, chủ trương chuyển đổi vị trí nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đã xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; giảm đáng kể chi phí về thời gian và tài chính cho bản thân, gia đình người học và xã hội.
Lớp Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư Khóa I sẽ áp dụng Chương trình chi tiết Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư theo hình thức tín chỉ do Giám đốc Học viện Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 1401/QĐ-HVTP ngày 23/12/2016 được xây dựng trên cơ sở Chương trình khung Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 2543/QĐ-BTP ngày 08/12/2016. Theo đó, tổng số tín chỉ mà học viên phải tích lũy là 53 tín chỉ.
Đội ngũ giảng viên giảng dạy cho Chương trình đào tạo chung, bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu còn có các giảng viên thỉnh giảng là các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư giỏi đang hành nghề, đã gắn bó và có nhiều kinh nghiệm tham gia giảng dạy trong các chương trình đào tạo riêng nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư tại Học viện Tư pháp. Để chuẩn bị cho khóa đào tạo, Học viện cũng đã tổ chức tập huấn giảng viên, qua đó giúp giảng viên nắm bắt những điểm đặc thù của chương trình đào tạo chung và yêu cầu, định hướng khi giảng dạy trong chương trình này. Học viện sẽ áp dụng tối đa phương pháp song giảng, tam giảng cho các bài học trong chương trình để học viên có cơ hội nắm bắt được kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp của cả ba chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và có được cái nhìn đa chiều cả từ lý luận và thực tiễn về nghề nghiệp.
Thay mặt Học viện Tư pháp, Giám đốc Đoàn Trung Kiên bày tỏ lời cảm ơn, sự quan tâm phối hợp, hợp tác của ngành Tòa án nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân, của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong nhiều năm qua và thực sự mong muốn các ngành, các cấp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, phối hợp, hợp tác nhiều hơn nữa với Bộ Tư pháp, Học viện Tư pháp trong thời gian tới, nhất là đối với khóa đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư từ việc cử Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư giỏi, giàu kinh nghiệm, uy tín tham gia giảng dạy cho khóa đào tạo, đến việc phối hợp tổ chức các hoạt động kiến tập, thực tập và nhất là sử dụng sản phẩm sau đào tạo của khóa đào tạo chung này, để từ đó thấy sự ưu việt, hiệu quả của mô hình đào tạo mới. Giám đốc Học viện Tư pháp cũng đề nghị các bạn học viên tích cực trau dồi kiến thức chuyên môn, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp ngay từ khi bắt đầu học nghề bằng việc tuân thủ nghiêm các quy chế, quy định trong đào tạo của Học viện Tư pháp; chủ động nâng cao ý thức học tập, tăng cường hoạt động trao đổi, thảo luận trong thời gian học để nhanh chóng chiếm lĩnh tri thức nghề nghiệp. Học viện Tư pháp cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực và tạo mọi điều kiện để tổ chức thành công khóa đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.
 
Thanh Hương