Nhiều lĩnh vực “nóng” được chọn để theo dõi thi hành pháp luật

23/03/2018
Nhiều lĩnh vực “nóng” được chọn để theo dõi thi hành pháp luật
Ngày 22/3, trong khuôn khổ Dự án JICA, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm hoàn thiện cơ chế tổ chức theo dõi thi hành pháp luật (THPL) ở Việt Nam. Qua thực tiễn triển khai, các đại biểu nhất trí rằng ngoài lĩnh vực trọng tâm, liên ngành mà Bộ Tư pháp lựa chọn, nhiều bộ, ngành, địa phương đã lựa chọn các lĩnh vực “nóng”, liên quan trực tiếp đến phạm vi quản lý nhà nước được giao để tổ chức theo dõi tình hình thi hành.

Chất lượng theo dõi THPL được nâng cao
Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL Hồ Quang Huy cho biết, với trách nhiệm được giao, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch cho việc hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành và theo dõi THPL nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, ngoài lĩnh vực trọng tâm, liên ngành mà Bộ Tư pháp lựa chọn, nhiều bộ, ngành, địa phương đã lựa chọn các lĩnh vực “nóng”, liên quan trực tiếp đến phạm vi quản lý nhà nước được giao để thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình THPL (đơn cử năm 2018, UBND TP Hà Nội chọn lĩnh vực trọng tâm theo dõi là pháp luật về phòng cháy, chữa cháy). Về phần mình, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL… Nhờ vậy, đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu, tổ chức triển khai nhiệm vụ theo dõi THPL.
Cục trưởng Đặng Thanh Sơn cũng nhận định, công tác theo dõi THPL những năm qua và nhất là năm 2017 đã được triển khai bài bản hơn, có nhiều đổi mới, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, ông Sơn thẳng thắn nhìn nhận một số khó khăn, vướng mắc, bất cập của công tác theo dõi THPL thời gian qua vẫn còn như thể chế về theo dõi THPL còn thiếu, hiệu lực của văn bản chưa cao; phản ứng chính sách thông qua hoạt động theo dõi THPL vẫn chậm; chưa có bộ công cụ hoàn chỉnh giúp cho việc theo dõi đánh giá hiệu quả, chính xác tình hình THPL ở các cấp độ khác nhau từ Trung ương tới địa phương;
Bên cạnh đó, hiệu quả công tác theo dõi THPL trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành chưa rõ nét; kinh phí, tổ chức bộ máy, biên chế chưa đáp ứng yêu cầu triển khai có hiệu quả công tác theo dõi THPL; chưa thu hút được sự tham gia, phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong xã hội… Vì thế, ông Sơn nhấn mạnh sự cần thiết phải thảo luận các giải pháp đổi mới công tác theo dõi THPL và các định hướng lớn trong xác định những tiêu chí phục vụ cho việc đánh giá tình hình THPL.
Cần quan tâm hàng đầu đến yếu tố con người
“Hiến kế” cho Bộ Tư pháp, TS Nguyễn Văn Nam (Trường Đại học Luật Hà Nội) quan niệm, vấn đề trung tâm là phải hoàn thiện thể chế về theo dõi THPL, đi cùng với đó là hoàn thiện thiết chế theo dõi THPL. Đặc biệt, ông Nam lưu ý các yếu tố khác trong cơ chế tổ chức theo dõi THPL, là vấn đề nâng cao ý thức chính trị, ý thức pháp luật, năng lực, phẩm chất, lương bổng của người làm công tác theo dõi THPL để họ có thể toàn tâm toàn ý làm việc với tinh thần “dĩ công vi thượng”. Đồng thời phải tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục chính trị, đạo đức trong xã hội nhằm tranh thủ sự đồng thuận của xã hội và nêu cao tinh thần chủ động, tích cực theo dõi THPL trong nhân dân.
Đồng tình với đề xuất hoàn thiện thể chế, Trưởng phòng 6 (V19, Bộ Công an) Lê Trang Hùng còn cho rằng cần có phương án kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác theo dõi tình hình THPL, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế các bộ, ngành. Ông Hùng đề nghị Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ có ý kiến với các bộ, ngành chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nghiêm túc Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định này để bảo đảm đủ về tổ chức và cán bộ có chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Quan tâm đến tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức THPL, TS Dương Thị Thanh Mai cho rằng, hoạt động theo dõi và đánh giá THPL phải kịp thời theo các chỉ số định lượng, định tính về kết quả áp dụng, tuân thủ/vi phạm pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân dựa trên hệ thống dữ liệu được thu thập liên tục, có hệ thống. Đây là nguồn thông tin cần thiết cho việc phản ứng chính sách, xử lý các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn so với thiết kế chính sách trong văn bản, hướng đến việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật…
Thục Quyên