Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 108/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (THPL) trong lĩnh vực trọng tâm của Bộ năm 2017, Cục Bổ trợ tư pháp vừa tổ chức hội thảo để thu thập thông tin, lắng nghe ý kiến phản ánh liên quan đến quy định hiện hành về hồ sơ, thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai cho biết, đây là 1 trong 2 lĩnh vực theo dõi trọng tâm của Bộ Tư pháp năm 2017. Theo đó, Cục Bổ trợ tư pháp chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL và các đơn vị có liên quan tổ chức theo dõi tình hình THPL về hồ sơ, thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Còn việc theo dõi tình hình THPL về đăng ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được giao cho Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan.
Không chỉ là một lĩnh vực trọng tâm cần theo dõi, pháp luật về hồ sơ, thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất gần đây cũng có thêm nhiều văn bản, quy định mới. Điển hình là Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm và gần nhất là Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT (tuy tạm dừng quy định về ghi tên các thành viên hộ gia đình vào sổ đỏ nhưng nhiều quy định khác sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12). Ngoài ra, vấn đề thẩm quyền công chứng áp dụng cho đặc khu kinh tế cũng đang được tính toán, cân nhắc. Theo bà Mai, tất cả các nội dung này đều đòi hỏi phải tổ chức thực thi cũng như theo dõi việc thi hành một cách hiệu quả và cần sự chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.
Đến từ địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh trong những năm qua và năm 2017 là 1 trong 16 địa phương của cả nước được giao tự chủ hoàn toàn về ngân sách, Trưởng Phòng Công chứng số 1 tỉnh Hải Dương, Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh Phạm Văn Vĩnh cho biết, nhu cầu giao dịch của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân liên quan đến công chứng ngày càng nhiều. "Số lượng chứng nhận hợp đồng, giao dịch năm 2017 của tính ước đạt 90 nghìn việc, trong đó khoảng 60 nghìn việc là hợp đồng thế chấp, chiếm 2/3 tổng số hợp đồng, giao dịch" - ông Vĩnh dẫn chứng.
Bên cạnh những thuận lợi, trong thực tiễn hành nghề, ông Vĩnh chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc của hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Chẳng hạn, đối với giấy tờ về tài sản thế chấp của doanh nghiệp, thời gian cấp bổ sung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho doanh nghiệp thường kéo dài với nhiều lý do khác nhau như diện tích đất có biến động, xây dựng có hạng mục không đúng giấy phép xây dựng... Hay khi thực hiện thế chấp tài sản trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được UBND cấp huyện cấp cho hộ kinh doanh cá thể thì có sự không thống nhất về cách hiểu giữa các công chứng viên và tổ chức tín dụng...
Qua một số vướng mắc trên, ông Vĩnh kiến nghị phải quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, hồ sơ giấy tờ, thời gian giải quyết việc cấp bổ sung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng cho các doanh nghiệp, cá nhân để thế chấp và vay vốn sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn rõ ràng việc xác định các thành viên hộ gia đình trong việc công chứng hợp đồng thế chấp bởi những sổ hồng, sổ đỏ được cấp trước đây khi tham gia giao dịch sẽ gặp nhiều khó khăn...
Đồng tình với khúc mắc của ông Vĩnh liên quan đến xác định thành viên hộ gia đình, Trưởng Phòng Công chứng số 3 Thành phố Hà Nội Vũ Việt Hoàn nêu rõ, việc xác định thành viên hộ gia đình phải là của cơ quan quản lý đất đai, nhưng thực tế hiện nay, các công chứng viên khi xác định thành viên hộ gia đình đều căn cứ vào hộ khẩu và mỗi công chứng viên khi xác định cũng có sự khác nhau, lúc tính lúc không đối với con dâu, con rể của hộ gia đình. Vì thế, theo ông Hoàn, cần hướng dẫn hộ gia đình theo Luật Đất đai, quy định cơ quan có thẩm quyền xác định thành viên hộ gia đình.
Ông Hoàn cũng đề xuất, cần hướng dẫn về cơ chế thông tin ngăn chặn đối với các trường hợp đất có tranh chấp, quyền sử dụng đất bị kê biên để đảm bảo thi hành án. Bởi qua thực tiễn hành nghề, khi thực hiện chứng nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, công chứng viên vì thiếu thông tin về đất có tranh chấp hay không, quyền sử dụng đất có bị kê biên để đảm bảo thi hành án hay không nên thường để cho người thế chấp tài sản cam đoan.
H.Thư