Những loại thiệt hại nào sẽ được bồi thường? Mức bồi thường là bao nhiêu? Thủ tục bồi thường ra sao? Cơ quan nào sẽ giải quyết bồi thường v.v...Tất cả những thông tin bạn đọc quan tâm đã được 2 chuyên gia là Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam và ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp giải đáp trên Báo Pháp luật Việt Nam điện tử (địa chỉ: baophapluat.vn) vào hồi 9h sáng nay (thứ 5), ngày 30/11. Cùng tham dự Chương trình có bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.
Sau hơn 06 năm thi hành, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2009 đã thực sự trở thành công cụ pháp lý quan trọng để cá nhân, tổ chức bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng cũng như chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới, cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đến nay đã có nhiều thay đổi về yêu cầu bảo đảm, bảo vệ quyền con người, về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế cũng như sự phát triển của hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính trên đất nước ta. Thực tế đó đã làm cho Luật TNBTCNN năm 2009 hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật này là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tế đối với các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây gọi là Luật TNBTCNN năm 2017) đã chính thức được Quốc hội thông qua, với 92,46 % số phiếu tán thành.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những điểm mới của Luật cũng như việc triển khai thi hành Luật, hôm nay, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật phối hợp Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến “Tìm hiểu Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017 và việc triển khai thi hành Luật”.
Bạn đọc Nguyễn Hữu Đức ở Cần Thơ hỏi ông Nguyễn Văn Bốn: ông có thể cho biết tiền bồi thường cho người bị oan sai lấy ở đâu? Có phải là tiền dân đóng thuế không? Hay tiền người làm oan sa phải chịu?
Ông Nguyễn Văn Bốn: Kinh phí chi trả cho tiền oan sai được lấy từ ngân sách nhà nước, ở địa phương trách nhiệm của Sở tài chính, trung ương là Bộ Tài chính.
Bạn đọc Hoàng Thị Hà, Hà Nội: Trường hợp nào bị coi là oan, trường hợp nào bị coi là sai, bồi thường cho hai trường hợp này có khác nhau không?
Ông Nguyễn Văn Bốn: Oan sai là một cụm từ được đặt ra trong Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự (TTHS) gây ra.
Nghị quyết 388 nêu trên giải quyết trách nhiệm bồi thường của nhà nước đối với những người bị oan trong tố tụng hình sự (TTHS). Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009 đã kế thừa và phát triển trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong TTHS. Theo đó chỉ có những người bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan sẽ được nhà nước bồi thường.
Bạn đọc Chu Anh Khoa ở Tp Hồ Chí Minh hỏi: Những ai được quyền yêu cầu đòi bồi thường với án oan sai?
Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Trước hết phải xác định với những người pl quy định đương nhiên có quyền yêu cầu đòi bồi thường như: Người bị thiệt hại do bị kết án oan, truy cứu trách nhiệm hình sự oan; người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết, hoặc tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt hoạt động hoặc không còn tồn tại; người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự như người bị thiệt hại là ngừơi vị thành niên chưa đến 18 tuổi, hoặc người có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần, và những người có quyền yêu cầu bồi thường theo ủy quyền của người đương nhiên có quyền yêu cầu bồi thường.
Bạn đọc Nguyễn Minh Trí, Bắc Kạn hỏi: Có thời hiệu đối với trường hợp bị oan không? Bố tôi bị án oan từ năm 80. Bây giờ bố tôi mất rồi, tôi có thể đi đòi minh oan cho bố tôi không?
Ông Nguyễn Văn Bốn: Đây là một vụ việc dân sự, vì vậy vấn đề thời hiệu cũng được đặt ra phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự. Theo quy định của luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009, thời hiệu của việc yêu cầu bồi thường là 2 năm kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2007, thời hiệu bồi thường là 3 năm.
Trong trường hợp cụ thể nêu trên, nếu bố của bạn bị kết án oan từ năm 1980, bạn nhận văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc oan của bố bạn ở thời điểm nào thì sẽ tính thời hiệu từ thời điểm đó đến nay.
Giả sử, bạn nhận được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền năm 2013, thì đến nay, nếu bạn chưa yêu cầu thì vụ việc này đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường. Nếu ạn nhận được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền năm 2016 thì đến bây giờ vẫn còn hiệu lực.
Bạn đọc Thanh Thi, ở Thái Bình hỏi: người thân của tôi bị kết án oan, giờ đã được trả tự do. Nhưng hiện nay không có giấy tờ tùy thân gì, vì chính quyền địa phương bảo phải có giấy của cơ quan nhà nước thì mới làm lại giấy tờ. Vậy xin ông hướng dẫn người thân tôi cần phải làm lại từ đâu?
Ông Nguyễn Văn Bốn: Một người đã bị kết án tù thì sẽ bị hạn chế một số quyền của công dân. Trong trường hợp của bạn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền minh oan thì bạn có thể cầm các giấy tờ của cơ quan này đến chính quyền địa phương (Xã, phường, thị trấn...) để làm các thủ tục liên quan đến giấy tờ công dân của mình, nếu các giấy tờ công dân của bạn không còn.
Bạn đọc Nguyễn Hiển Minh, tp Hồ Chí Minh: người thân của tôi bị đi tù oan, nhưng được thả ra lặng lẽ, không có cơ quan nào, văn bản nào nói đã bị oan cả. Bây giờ người thân của tôi muốn đòi bồi thường thì viết đơn yêu cầu đòi bồi thường luôn hay tôi phải làm thủ tục để nhà nước xin lỗi rồi mới được đòi bồi thường?
Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Theo bạn, việc người thân bạn bị đi tù oan, nhưng không có thủ tục, văn bản nào chứng minh bị đi tù oan. Tuy nhiên, việc người thân bạn bị bắt tạm giam chắc chắn có lệnh bắt, có hồ sơ tại các cơ quan tố tụng. Đặc biệt là ở nơi giam giữ trước khi người thân bạn được trả tự do thì phải có văn bản là lệnh trả tự do của cơ quan chức năng.
Để xác định rõ trường hợp người thân của bạn có oan hay không, cần phải có đầy đủ hồ sơ của các cơ quan có thẩm quyền đã ra lệnh trả tự do cho người thân của bạn, đối chiếu quy định của pháp luật thì mới xác định được người thân của bạn có bị oan sai, có thuộc đối tượng được bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hay không.
Một trong căn cứ để xác định bồi thường là văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như quyết định hoặc bản án có hiệu lực pháp luật xác định người thân của bạn đã bị tù oan.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự là Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
Như vậy, người thân của bạn có thể đến nơi trả tự do để xác định quyết định, căn cứ trả tự do cho người thân của bạn. Sau khi đã xác định được bị oan, người thân của bạn mới có thể làm thủ tục để đòi bồi thường.
Bạn đọc Lê Thuý Hà, Quảng Bình: Trong một vụ việc dân sự mà người xử án đã sai, sau này đã chứng minh được phán quyết của người đó sai thì đương sự đã bị xử sai có được bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước không?
Ông Nguyễn Văn Bốn: Trong TTDS, khi người thi hành công vụ ra bản án quyết định mà bản án quyết định đó đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị cơ quan có thẩm quyền quyết định là trái pháp luật, mà người ra bản án quyết định đó bị xử lý kỷ luật hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự thì thuộc phạm vi trách nhiệm của nhà nước. Hay nói cách khác, khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khẳng định hành vi thi hành công vụ của người đó là trái pháp luật và gây thiệt hại thì bạn có thể yêu cầu cơ quan quản lý trực tiếp người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường.
Bạn đọc Nguyễn Dũng, Đà Nẵng hỏi: Người thân của tôi bị bắt giam oan. Khi được thả, vợ đã bỏ con lại, bán hết nhà cửa đi nơi khác. Người thân của trắng tay với con nhỏ. Vậy những thất thoát về tài sản của họ do bị bắt oan như vậy có được tính vào thiệt hại để đòi bồi thường không?
Ông Nguyễn Văn Bốn: Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 thì nhà nước bồi thường thiệt hại trực tiếp cho người bị thiệt hại và người bị thiệt hại sẽ được nhà nước bồi thường các khoản thiệt hại bao gồm:
- Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
- Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất và giảm sút
- Thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết (nếu có)
- Thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm
- Thiệt hại về tinh thần
Cụ thể, đối với trường hợp của người thân bạn là do vợ người thân bạn gây ra thì nhà nước không bồi thường.
Một bạn đọc ở Bắc Ninh: Sau 5 năm tù oan, sức khỏe tôi rất tồi tệ, bây giờ tôi đi chữa bệnh thì nhà nước có cho tôi tiền theo quy định bồi thường oan sai không? (Một bạn đọc ở Bắc Ninh)
Ông Nguyễn Văn Bốn: Đối với trường hợp này, theo quy định luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009 và 2017 thì người bị thiệt hại được bồi thường các thiệt hại về vật chất sau đây:
- Chi phí khám bệnh, chữa bệnh
- Chi phí bồi dưỡng sức khỏe
- Chi phí cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian khám, chữa bệnh
- Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp sức khỏe bị xâm phạm
Nếu bạn chứng minh được những thiệt hại này do tù oan, bạn sẽ được hưởng những khoản bồi thường nêu trên.
Bạn đọc Trọng Phước Hà, An Giang: Thủ tục đòi bồi thường và thủ tục đòi chứng minh mình đã bị oan có là một không?
Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Thủ tục minh oan là quá trình yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận đã làm oan cho mình. Còn thủ tục đòi bồi thường là các tài liệu, văn bản xác minh bạn đãbị oan, từ đó, yêu cầu Nhà nước bồi thường . Như vậy, hai thủ tục này hoàn toàn khác nhau.
Ban đọc Nguyễn Thu Hà, Kiên Giang: Người thân của tôi bị kết án oan, và đã được tòa án xin lỗi công khai vì kết án oan, nhưng vụ việc đó đã hơn 10 năm rồi, vậy người thân của tôi có được đòi bồi thường nữa không?
Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Trước hết, xác định về quyền đòi bồi thường thiệt hại do bị kết án oan sai là quyền hợp pháp của người thân của bạn. Khi người thân của bạn bị kết án oan thì pháp luật quy định 3 năm đối với đòi bồi thường về vật chất, còn đối việc phục hồi danh dự, không có quy định về thời hiệu, người thân của bạn có thể yêu cầu phục hồi danh dự bất cứ lúc nào từ khi bạn đã được xác định bị kết án oan.
Sự việc của người thân bạn đã 10 năm, nếu trong thời gian đó không có trở ngại khách quan nào đối với việc đòi bồi thường thì người thân của bạn đã hết quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.
Bạn đọc Hoàng Thị Thuý Hương, Thừa Thiên Huế: Những khoản thiệt hại nào sẽ được bồi thường trong vụ án oan sai?
Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, Thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết, Thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm, Thiệt hại về tinh thần.
Sau khi sửa đổi, bổ sung, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017 có bổ sung các loại thiệt hại được tính để bồi thường bao gồm: Chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo; chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại; Chi phí đi lại để thăm gặp của thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án phạt tù trong tố tụng hình sự.
Ngoài ra, người bị thiệt hại còn được khôi phục chức vụ (nếu có), việc làm và các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật có liên quan; Khôi phục quyền học tập; Khôi phục tư cách thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Bạn đọc Bùi Thị Thuỷ, Quảng Nam: Trong một vụ án hình sự, bản án đồng thuận với các kết luận từ cơ quan công an, viện kiểm sát. Vậy khi ra bản án oan, cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm?
Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Theo quy định của pháp luật về tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử sẽ xem hồ sơ vụ án và các lời khai, chứng cứ tại phiên tòa để đưa ra bản án. Tòa án hoàn toàn có quyền bác bỏ ý kiến của Viện kiểm sát. Do vậy, bản án oan sai thì trách nhiệm thuộc về tòa án đã ra bản án này.
Một bạn đọc ở Hà Giang: Để được bồi thường thiệt hại theo quy định của luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì cần phải có những thủ tục gì?
Ông Nguyễn Văn Bốn: Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2009 và 2017 đều quy định, người yêu cầu bồi thường phải gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường tới cơ quan giải quyết bồi thường. Hồ sơ bao gồm:
- Văn bản yêu cầu bồi thường
- Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường
- Giấy tờ chứng minh nhân thân của người bị thiệt hại
- Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường (nếu có)
Bạn đọc Nguyễn Trí, CHLB Đức: Có nhất thiết phải có hóa đơn đỏ mới được bồi thường không?
Ông Nguyễn Văn Bốn: Về nguyên tắc, tất cả những thiệt hại mà người yêu cầu bồi thường yêu cầu nhà nước bồi thường thì người yêu cầu bồi thường phải chứng minh. Có một số thiệt hại về vật chất như thiệt hại về tài sản (chi phí sửa chữa, khôi phục, chi phí định giá giám định...), thì phải có giấy tờ để chứng minh những thiệt hại đó.
Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009 chưa lượng hóa được hết tất cả các thiệt hại, do đó còn tồn tại những khó khăn cho người yêu câu bồi thường và cơ quan bồi thường.
Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017 đã khắc phục vấn đề này, một số các thiệt hại nếu không có hóa đơn chứng từ thì sẽ được nhà nước bồi thường một khoản ấn định theo luật định.
Bạn Minh Thu, Sóc Trăng: Con cái của người bị oan sai có được bố trí công việc để bù đắp cho những tổn thất mà bố mẹ họ đã phải chịu án oan sai không? Minh Thu- Sóc Trăng.
Ông Nguyễn Văn Bốn: Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009 và năm 2017 chỉ quy định bồi thường thiệt hại cho người trực tiếp bị oan mà không quy định bồi thường thiệt hại cho người khác có liên quan. Như vậy, đối với TH của bạn là không được bồi thường (bố trí công việc để bù đắp).
Bạn đọc Trần Văn T., Thanh Hoá: Người bị oan sai có được tạm ứng tiền bồi thường hay không?
Ông Nguyễn Văn Bốn: Theo quy định của luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009 thì người bị oan sai không được tạm ứng kinh phí bồi thường. Tuy nhiên, luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017 đã quy định người bị oan sai có thể được tạm ứng kinh phí bồi thường nếu có yêu cầu. Đó là những thiệt hại về tinh thần quy định tại các khoản 1,2,3,4 và 6 trong điều 17 của luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017 và các thiệt hại khác có thể tính được ngay mà không cần xác minh. Đây là quy định mới giúp cho người bị oan khắc phục những khó khăn trước mắt và bù đắp bước đầu những tổn thất do người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra.
Bạn đọc Lã Thuỳ Dung, Cần Thơ: Nhà nước có quy định mức bồi thường tối đa cho một vụ án oan sai hay không?
Ông Nguyễn Văn Bốn: Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009 và năm 2017 không quy định mức bồi thường tối đa cho một vụ án oan sai. Bởi vì,các thiệt hại mà người bị oan sai được hưởng phải đúng theo quy định của luật và người bị oan sai phải chứng minh được những thiệt hại đó do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra. Hơn nữa, mỗi vụ án oan sai là khác nhau về thời gian, thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần là khác nhau.
Bạn đọc Kiều Thu Trang, Cà Mau: Việc phục hồi danh dự cho người bị oan sai có phải là trách nhiệm đương nhiên của nhà nước không, hay phải có yêu cầu của người bị oan sai? Luật quy định việc phục hồi danh dự được tiến hành như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Bốn: Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009 quy định việc phục hồi danh dự được thực hiện theo yêu cầu của người bị thiệt hại. Tuy nhiên, luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017 đã quy định việc phục hồi danh dự là trách nhiệm của nhà nước và nhà nước có trách nhiệm chủ động phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại. Việc chủ động phục hồi danh dự được quy định cụ thể như sau:
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc kể từ ngày có bản án, quyết định, quy định tại điều 55 của luật 2017 có hiệu lực thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải thông báo bằng văn bản cho người bị thiệt hại về việc nhà nước tổ chức thực hiện phục hồi danh dự.
- Người bị thiệt hại đồng ý với nội dung thông báo thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thực hiện việc phục hồi danh dự.
- Trong trường hợp người bị thiệt hại không đồng ý với nội dung trong thông báo thì có ý kiến đề nghị cụ thể về nội dung đó để cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có cơ sở để thực hiện phục hồi danh dự. Trong TH người bị thiệt hại đề nghị chưa thực hiện phục hồi danh dự thì việc thực hiện phục hồi danh dự chỉ được thực hiện khi có yêu cầu bằng văn bản của người bị thiệt hại.
- Việc phục hồi danh dự không quy định về thời hiệu.
Bạn đọc Bùi Giang Oanh, Nam Định hỏi: Trong một vụ án hình sự, bản án đồng thuận với các kết luận từ cơ quan Công an, Viện kiểm sát. Vậy khi ra bản án oan, cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm?
Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Theo quy định của pháp luật về tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử sẽ xem hồ sơ vụ án và các lời khai, chứng cứ tại phiên tòa để đưa ra bản án. Tòa án hoàn toàn có quyền bác bỏ ý kiến của Viện kiểm sát. Do vậy, bản án oan sai thì trách nhiệm thuộc về tòa án đã ra bản án này.
Một bạn đọc ở Thanh Hoá: Tôi có ăn nhà do tổ tiên để lại bị tịch thu theo thủ tục thi hành án. Vụ án của tôi bây giờ đã đủ căn cứ để kết luận là án oan, vậy tôi có được đòi lại căn nhà của tổ tiên tôi không?
Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Theo quy định tại Điều 30 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, nếu căn nhà này có thể trả lại được, thì phải được trả lại cho bạn. Nếu tài sản bị hư hỏng, thì được bồi thường chi phí sửa chữa theo khoản 2 điều 23.
Còn theo khoản 1, điều 23, Trường hợp tài sản đã bị phát mại, bị mất thì thiệt hại được xác định căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và mức độ hao mòn của tài sản trên thị trường tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này. Thời điểm để xác định hiện trạng tài sản làm căn cứ tính mức bồi thường là thời điểm thiệt hại xảy ra.
Một bạn đọc ở Tiền Giang: 20 năm nay tôi đi đòi công lý. Tôi đã phải bán cả gia sản để phục vụ hành trình đi lại, gõ cửa các cơ quan từ nam ra bắc. Vậy tiền tàu xe, nhà nghỉ của tôi có được tính là chi phí để bồi thường không? Nếu có, tôi cần những giấy tờ gì để được nhà nước công nhận? Có bắt buộc phải là hóa đơn đỏ không? (
Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Trước hết, phải xác định là vụ việc của bạn có bị oan hay không. Nếu có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định bạn bị oan. Theo đó, những thiệt hại phát sinh trong quá trình bạn kêu oan sẽ được nhà nước xem xét bồi thường. Theo Quy định tại Điều 28 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì những khoản mà bạn kể trên, sẽ được bồi thường. Nếu bạn bạn có hóa đơn, thì bồi thường theo hóa đơn. Nếu không có, sẽ bồi thường theo luật định.
Kính thưa Quý độc giả!
Trong khoảng thời gian từ 9h đến 10h30 sáng nay (30/11), hai chuyên gia của Chương trình là Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam và ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp đã trực tiếp giải đáp nhiều câu hỏi, thắc mắc của độc giả liên quan đến các quy định của Luật Trách nhiệm Bồi thường của nhà nước cũng như hướng dẫn những thủ tục cụ thể về vấn đề bồi thường oan sai.
Những câu hỏi đang được bạn đọc tiếp tục gửi về Chương trình sẽ được Báo PLVN gửi tới các chuyên gia để có sự phản hồi đến quý độc giả trong thời gian sớm nhất.
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm, theo dõi của quý bạn đọc!