Ngày 20/9/2017, Đoàn Công tác của Bộ Tư pháp do đồng chí Trần Văn Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai. Tiếp và làm việc với Đoàn Kiểm tra có đồng chí Võ Văn Chánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phạm Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Viên Hồng Tiến – Giám đốc Sở Tư pháp và lãnh đạo các sở, ban, ngành, Phòng Tư pháp cấp huyện.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong 9 tháng đầu năm 2017, tỉnh Đồng Nai triển khai có trọng tâm, trọng điểm công tác tư pháp, bám sát chương trình công tác của Bộ Tư pháp với 09 nhiệm vụ trọng tâm, theo đúng chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số mặt công tác có chuyển biến tích cực và đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm 2016, khẳng định được hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ đầy đủ, chặt chẽ, đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc. Trong công tác pháp chế, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 1296/QĐ-UBND ngày 20/5/2015 về quy chế phối hợp trong công tác tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước đối với công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 15/3/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Số lượng cán bộ pháp chế hiện nay của tỉnh Đồng Nai là 38 người.Đối với các công tác theo dõi thi hành pháp luật, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng và triển khai kế hoạch năm 2017, tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành trong tháng 9/2017 tập trung vào lĩnh vực trọng tâm công tác do Bộ Tư pháp xác định. Thực hiện công bố Bộ thủ tục hành chính 3 cấp
(tỉnh, huyện, xã) thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của 17 ngành với 1.600 thủ tục hành chính; thẩm định, xây dựng 1.253 lưu đồ giải quyết thủ tục hành chính để cấu trên Phần mềm Egov, tham mưu thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm 2017, Sở Tư pháp đã cấp 8.061 phiếu Lý lịch tư pháp, tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 98%. Việc giải quyết cho nhận con nuôi trong nước tại địa phương: thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục chặt chẽ theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi. Việc thi hành pháp luật về nuôi con nuôi đã góp phần giúp cho nhiều trẻ em có được mái ấm gia đình thay thế ở trong nước, được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục tốt. Từ năm 2016 đến tháng 5/2017 trên địa bàn tỉnh đã giải quyết 109 trường hợp con nuôi. Sở Tư pháp đã ký kết quy chế phối hợp, phổ biến pháp luật với các cơ quan báo đài giai đoạn 2016-2020; ký kết quy chế phối hợp với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp về tuyên truyền công tác pháp luật; tổ chức Hội nghị truyền hình, trực tuyến tại các điểm cầu trên toàn tỉnh với 5.905 lượt về Luật phí và lệ phí, Luật tiếp cận thông tin, Luật đấu giá tài sản, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật trẻ em. Tổ chức in ấn, phát hành 3.000 Bản tin Tư pháp Xuân, Quý I, II/2017, các tài liệu hỏi đáp pháp luật. Đến nay toàn tỉnh có 2.730 báo cáo viên pháp luật và tuyên truyền viên (cấp tỉnh: 138, cấp huyện: 314, cấp xã: 2178 tuyên truyền viên). Đáng chú ý là trong năm 2016, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 23/2016/NQ-HĐND quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
|
|
Về những khó khăn, vướng mắc công tác như tầm mức nghị định quy định hướng dẫn triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật còn gặp khó khăn; còn chồng chéo giữa quy định giữa Luật Nuôi con nuôi và Luật Hộ tịch, về thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị tham gia giải quyết vấn đề hộ tịch, nuôi con nuôi; chưa hoàn thiện thể chế quy định cũng như xử lý vi phạm trong công tác thừa phát lại; Nghị định quy định về công tác pháp chế thiếu tính khả thi, chưa đồng bộ với quy định về tổ chức bộ máy, biên chế.
Đồng chí Phạm Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao công tác tư pháp trong thời gian qua có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai còn những vướng mắc nhất là việc thực hiện công tác pháp chế ở địa phương do quy định pháp luật còn chưa thống nhất, chồng chéo, thiếu tính khả thi trong thực hiện; công tác theo dõi thi hành pháp luật còn chung chung, chưa có giải pháp về thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện của các cơ quan sau khi kết luận về theo dõi thi hành pháp luật.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, đồng chí Võ Văn Chánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh trong thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác, nhất là công tác theo dõi thi hành pháp luật hỗ trợ trong công tác đảm bảo tính pháp lý cho chỉ đạo, điều hành. Trong thời gian tới, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực tư pháp đồng thời đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội sớm hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan để địa phương sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai.
Thay mặt Đoàn Kiểm tra, đồng chí Trần Văn Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đánh giá cao những kết quả trong công tác tư pháp mà tỉnh Đồng Nai đã đạt được trong thời gian, đồng thời chia sẻ và giải đáp những khó khăn, vướng mắc của địa phương, ghi nhận những kiến nghị của địa phương trong các lĩnh vực là rất hợp lý, sâu sắc, làm rõ thêm những điểm cần sửa đổi, bổ sung trong quy định pháp luật. Đoàn kiểm tra sẽ báo cáo Bộ Tư pháp xem xét, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định./.
Lê Xuân Quý
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp cũng đã làm việc với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai về công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự và đi thăm một số cơ sở bảo trợ trẻ em mồ côi, khuyết tật trên địa bản tỉnh Đồng Nai. |