Trong 2 ngày 18 và 19-9, tại thành phố Nha Trang, Bộ Tư pháp phối hợp với Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) tổ chức Hội thảo quốc tế “Những kinh nghiệm về quyền có quốc tịch và hạn chế tình trạng không quốc tịch”. Tham dự hội thảo có gần 50 đại biểu đaị diện các Sở Tư pháp khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên, một số cơ quan trung ương và tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Ông Nguyễn Công Khanh – Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) và ông Nicholas Oakeshott – Chuyên gia khu vực về người không quốc tịch (UNHCR khu vực Đông Nam Á) đồng chủ trì hội thảo.
Hội thảo đã nghe 15 tham luận (gồm 10 tham luận trong nước và 5 tham luận nước ngoài) và nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi về những vấn đề liên quan đến quyền có quốc tịch và hạn chế tình trạng không quốc tịch. Cụ thể như: việc thực hiện Luật Quốc tịch năm 2008 và các quy định đặc biệt về quyền được có quốc tịch của trẻ em sinh ra tại Việt Nam và việc nhập quốc tịch cho người không quốc tịch ở Việt Nam; tiêu chuẩn quốc tế và các quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam đối với việc ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng không quốc tịch; Luật Quốc tịch và các quy định liên quan đến việc quản lý nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam – những thách thức liên quan đến vấn đề 2 quốc tịch, việc nhập quốc tịch, từ bỏ, trở lại quốc tịch Việt Nam; những thuận lợi, khó khăn trong việc xác định quốc tịch cho trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài khi đăng ký khai sinh và xác định quốc tịch cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài về cư trú trong nước…Ngoài ra, các đại biểu đã nghe tham luận về kinh nghiệm của các nước thành viên ASEAN trong việc thực hiện quyền có quốc tịch và ngăn ngừa tình trạng không quốc tịch của trẻ em và phụ nữ; kinh nghiệm trong việc ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng không quốc tịch tại Philippin về giải quyết vấn đề quốc tịch của những người có nguồn gốc Indonesia…
Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Công Khanh – Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) đánh giá, qua tham luận, trao đổi các đại biểu đều thống nhất: việc thực hiện pháp luật quốc tịch thời gian qua bên cạnh đạt được những thành tựu thì vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý (quy định xử lý những vấn đề xin thôi, trở lại, nhập quốc tịch Việt Nam vẫn còn thiếu), về thực thi, triển khai thi hành pháp luật (sự phối hợp giữa các bộ ngành, trình tự thủ tục xử lý, giải quyết hồ sơ...). Hội thảo đã thống nhất đề xuất các cấp có thẩm quyền cần xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 để đảm bảo quyền công dân, nhất là đối với các đối tượng yếu thế như phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em có cha – mẹ là người Việt di cư từ nước ngoài về, nhằm giảm thiểu và tiến tới chấm dứt tình trạng không quốc tịch ở Việt Nam…
Hải Dương