Trường Trung cấp Luật Vị Thanh và Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu, trong việc phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác hộ tịch cho công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Sáng ngày 20/12/2016, lớp bồi dưỡng được khai mạc tại Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu, tham gia lớp bồi dưỡng có hơn 70 công chức làm hộ tịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu tham dự, lớp học được tổ chức từ ngày 20 - 25/12/2016.
Phát biểu khai giảng lớp học, thay mặt Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, ông Dương Thành Đức - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Vị Thanh nêu rõ: Đăng ký, quản lý hộ tịch là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng đối với công dân và Nhà nước. Thông qua việc đăng ký, quản lý hộ tịch tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Luật Hộ tịch năm 2014 ra đời đã tạo bước đột phá về thể chế của công tác hộ tịch. Là cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, xây dựng hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Đồng thời thông qua lớp bồi dưỡng còn thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại Quyết định số 333/QĐ-BTP ngày 14/02/2015
“bảo đảm trước ngày 01/01/2020, 100% số công chức làm công tác hộ tịch được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch”. Vì vậy, việc Trường Trung cấp Luật Vị Thanh và Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu phối hợp mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác hộ tịch là cần thiết trong yêu cầu chung của công tác quản lý hộ tịch hiện nay.
Về phía Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu, Ông Nguyễn Bá Ân - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu đề nghị, các công chức tham gia lớp học nghiêm túc, có ý thức tham dự đầy đủ các buổi học nhằm đạt được các yêu cầu về nội dung các chuyên đề. Tích cực trao đổi, thảo luận các vấn đề thực tiễn tại địa phương để thông qua lớp học là diễn đàn chính thức nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác hộ tịch trên địa bàn, từng bức nâng cao chất lượng, trình độ chung của công chức làm hộ tịch.
Lớp bồi dưỡng tập trung triển khai các chuyên đề về: Tổng quan về hộ tịch, quản lý nhà nước về hộ tịch; Đạo đức và trách nhiệm của công chức tư pháp - hộ tịch trong đăng ký, quản lý hộ tịch; Đăng ký khai sinh; Đăng ký kết hôn, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; Đăng ký giám hộ, đăng ký nhận cha, mẹ, con; Ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch; Đăng ký khai tử; Đăng ký nuôi con nuôi. Song song với việc triển khai các nội dung quy định của pháp luật về lĩnh vực quản lý hộ tịch, lớp bồi dưỡng còn trao đổi, thảo luận và giải đáp các thắc mắc về phát sinh trong quá trình thực hiện đăng ký và quản lý hộ tịch tại địa phương.
Thông qua nội dung lớp bồi dưỡng tin tưởng rằng chất lượng đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu sẽ được nâng cao, góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của ngành Tư pháp về công tác hộ tịch.
Ái Vi