Hội thảo: Nghiên cứu đề xuất trình tự, thủ tục giám sát giáo dục người chưa thành niên được miễn TNHS

22/12/2016
Hội thảo: Nghiên cứu đề xuất trình tự, thủ tục giám sát giáo dục người chưa thành niên được miễn TNHS
Trong khuôn khổ chương trinh trình hợp tác với UNICEF về tư pháp thân thiện với người chưa thành niên, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo nghiên cứu đề xuất trình tự, thủ tục giám sát giáo dục người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015. Tại Hội thảo các ý kiến thảo luận tập trung vào một số vấn đề lớn.

Về quy định việc miễn trách nhiệm hình sự với người chưa thành niên trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng mà gây thiệt hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình, cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục tại khoản 2 Điều 69 BLHS 1999. Tuy nhiên, chế định này cũng bộc lộ nhiều bất cập, ví dụ: thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục cũng như vai trò của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại cộng đồng, các biện pháp hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng còn nhiều hạn chế. Để khắc phục những bất cập nêu trên, đồng thời thực hiện chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự, nhất là đối với đối tượng cần bảo vệ đặc biệt là người chưa thành niên theo hướng sớm đưa các em ra khỏi vòng tố tụng khi có điều kiện để tránh những tác động tiêu cực không cần thiết BLHS năm 2015, cùng với việc sửa đổi nguyên tắc về miễn trách nhiệm hình sự theo hướng mở rộng miễn trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và cụ thể hóa điều kiện áp dụng, đã bổ sung một Mục quy định về các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự.
Về trình tự, thủ tục miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục: cần làm rõ thêm về quyết định miễn trách nhiệm hình sự, quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ điều tra; thủ tục áp dụng biện pháp hòa giải: trước miễn trách nhiệm hình sự hay sau miễn trách nhiệm hình sự, thủ tục tiến hành hòa giải.
Về phạm vi điều chỉnh và loại văn bản quy phạm pháp luật: Căn cứ phạm vi, nội dung, thẩm quyền của các loại văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cho thẩy có hai hình thức văn bản có thể lựa chọn: Một là, nếu phạm vi điều chỉnh của văn bản này chỉ tập trung vào nhóm các nội dung thuộc về thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục sau miễn trách nhiệm hình sự thì có thể ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều của BLHS về giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự. Hai là, nếu cần thiết phải mở rộng phạm vi điều chỉnh của văn bản đối với cả các vấn đề thuộc thủ tục tố tụng hình sự, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng tức là bao gồm cả hai nội dung nêu trên thì có thể ban hành Thông tư liên tịch giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội.
Chủ trì Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đánh giá cao sự tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các ý kiến đóng góp tại Hội thảo là những ý kiến quý báu  giúp chúng tôi hoàn thiện dự thảo BLHS (sửa đổi), đồng thời Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại Hội thảo này làm cơ sở để chỉnh lý Bộ luật hình sự (sửa đổi).

Nguyễn Văn Quân, Phòng  THHC