Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế: Cần tăng cường về cả chất và lượng

16/12/2016
Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế: Cần tăng cường về cả chất và lượng
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ Luật sư (LS) hội nhập, chính sách thu hút LS được đào tạo ở nước ngoài về phục vụ đất nước, tăng cường hợp tác quốc tế… là những vấn đề dành được nhiều quan tâm tại Hội thảo “Tăng cường vai trò của LS, tổ chức hành nghề LS trong việc triển khai hiệu quả Đề án phát triển đội ngũ LS phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2010 - 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án 123) do Bộ Tư pháp tổ chức vào sáng 16/12.
Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đặng Kim Hoa khẳng định việc triển khai hiệu quả Đề án 123 đã góp phần thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về việc phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững khi Việt Nam đã gia nhập WTO. Sau gần 6 năm thực hiện, Đề án 123 đã khẳng định được tầm quan trọng và sự cần thiết đối với công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước.
Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế thời gian qua cho thấy, việc khởi kiện, kháng kiện và tham gia giải quyết tranh chấp tại WTO trong lĩnh vực phòng vệ thương mại của nước ta còn gặp nhiều khó khăn mà nguyên nhân chính xuất phát từ số lượng và chất lượng của đội ngũ LS chuyên ngành.
Hiện nay, số lượng 446 chuyên gia pháp luật, LS chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế còn rất khiêm tốn so với tổng số gần 10.900 LS trong cả nước và chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời, sự phân bố đội ngũ LS này còn chưa hợp lý giữa vùng, miền trong cả nước, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Chất lượng LS chuyên sâu phục vụ hội nhập quốc tế cũng còn nhiều hạn chế, thể hiện ở trình độ chuyên môn chưa đồng đều. Do vậy, nhiều vụ tranh chấp thương mại quốc tế, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của nước ta phải thuê các Công ty luật nước ngoài tư vấn, đại diện trong quá trình giải quyết với chi phí rất cao, không chủ động về mặt thời gian và nắm bắt diễn biến giải quyết tranh chấp, vấn đề cung cấp và bảo mật thông tin cũng gây nhiều khó khăn cho các bên.
Theo LS Đinh Ánh Tuyết, việc am hiểu pháp luật Việt Nam liên quan đến đầu tư nước ngoài và pháp luật quốc tế; có kinh nghiệm và hiểu biết sâu về văn hóa, thực tiễn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đặc thù hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tại Việt Nam; có phí và chi phí thấp hơn so với LS nước ngoài là những thế mạnh của LS Việt Nam trong các vụ việc thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, chúng ta lại chưa phát huy được hết các thế mạnh này bởi đội ngũ LS thương mại quốc tế còn ít, số lượng LS giỏi, có năng lực và uy tín nghề nghiệp cao được khách hàng, cộng đồng quốc tế thừa nhận còn rất ít, các tổ chức hành nghề Việt Nam mới phát trong thời gian ngắn nên còn nhiều khó khăn về nguồn lực, đặc biệt là các mối liên hệ quốc tế.
Do đó, một trong các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là tăng cường, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hành nghề cho đội ngũ LS chuyên ngành này. Về vấn đề này, đại diện Trung tâm liên kết đào tạo LS thương mại quốc tế trực thuộc Học viện Tư pháp cho biết, Trung tâm đang từng bước ổn định về tổ chức và tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai nhiệm vụ tuyển sinh, đào tạo khóa đầu tiên trong năm 2017.
Còn theo LS Lê Nết, chính các LS giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc tham gia đào tạo bồi dưỡng LS phục vụ hội nhập quốc tế. Vấn đề đào tạo không thể nóng vội, mà phải xác định mục tiêu dài hạn, việc nhập khẩu chương trình nước ngoài là cần thiết song phải “Việt hóa” để phù hợp với thực tiễn nước ta.
Song song với nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đại diện Vụ Pháp luật quốc tế nhấn mạnh tới các chính sách khuyến khích tổ chức hành nghề LS và các LS tự đào tạo, thu hút LS được đào tạo ở nước ngoài về phục vụ đất nước. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác quốc tế để giao lưu, chia sẻ kiến thức pháp luật, kinh nghiệm hành nghề LS và quản lý, điều hành tổ chức hành nghề LS phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam.
Kim Quy