Tọa đàm góp ý vào dự thảo bình luận các quy định của BLHS 2015 liên quan đến người chưa thành niên

15/12/2016
Tọa đàm góp ý vào dự thảo bình luận các quy định của BLHS 2015 liên quan đến người chưa thành niên
Trong khuôn khổ chương trinh trình hợp tác với UNICEF về tư pháp thân thiện với người chưa thành niên, sáng ngày 14/12/2016 Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến góp ý vào dự thảo bình luận các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 liên quan đến người chưa thành niên.
Những nội dung đề cập trong Tọa đàm lần này là những vấn đề liên quan đến người chưa thành niên và được đưa vào dự thảo bình luận như:
Về chuẩn bị phạm tội (Điều 14), nội hàm của hành vi chuẩn bị phạm tội được mở rộng hơn trước đây. Nếu Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ coi chuẩn bị phạm tội là hành vi tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra điều kiện khác để thực hiện tội phạm, BLHS năm 2015 còn coi chuẩn bị phạm tội cả là hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm. Quy định này nhằm tạo điều kiện chủ động ngăn chặn sớm tội phạm xảy ra, nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, phù hợp với tinh thần của công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia mà nước ta là thành viên;
Về Phạt tiền (Điều 99), về cơ bản, các quy định về điều kiện áp dụng cũng như nguyên tắc xác định mức tiền phạt đối với người đã thành niên phạm tội quy định tại Điều 35 của BLHS cũng được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, ở đây có 3 điểm khác biệt đáng chú ý: một là, phạt tiền chỉ được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Không áp dụng phạt tiền đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội, hai là, ngoài điều kiện về loại tội như đã nêu trên thì còn có thêm điều kiện là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải có thu nhập hoặc có tài sản riêng; ba là, mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định;
Về hòa giải tại cộng đồng (Điều 94), biện pháp hòa giải giúp cho người dưới 18 tuổi phạm tội tránh khỏi việc bị xử lý bằng thủ tục điều tra, truy tố, xét xử chính thức và nguy cơ bị áp dụng hình phạt giam giữ, cũng như tránh được các tác động xấu do hệ thống tư pháp chính thức mang lại, vì vậy, biện pháp này được khuyến khích áp dụng tại bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng đối với vụ án kể từ thời điểm khởi tố vụ án và cơ  quan đang tiến hành tố tụng đối với vụ án  có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng. Như vậy, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đều có thẩm quyền áp dụng biện pháp hòa giải...
Chủ trì Tọa đàm, Lãnh đạo Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đánh giá cao sự tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các ý kiến đóng góp tại Tọa đàm là những ý kiến quý báu  giúp chúng tôi hoàn thiện dự thảo BLHS (sửa đổi), đồng thời Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại Tọa đàm này làm cơ sở để chỉnh lý Bộ luật hình sự (sửa đổi).