Ngày 21/7, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Luật Biển 1982 ngày 12/7/2016 về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc”. Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực khác nhau và những người làm công tác quản lý, công tác thực tiễn, các cơ quan thông tấn, báo chí, sinh viên theo học tại Trường.
Như chúng ta đã biết, sau hơn 3 năm thụ lý và xem xét các bằng chứng được cung cấp bởi Philippines và các nhóm chuyên gia độc lập, ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài (PCA) được thành lập theo Phụ lục VII Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ra phán quyết cuối cùng liên quan đến vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về các vấn đề giải thích và áp dụng các quy định của UNCLOS. Phán quyết này đã tạo ra một tiếng vang lớn, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, giới nghiên cứu, học giả và người dân, trong đó có Việt Nam.
Với ý nghĩa là phán quyết đầu tiên được đưa ra bởi một cơ quan tài phán quốc tế liên quan đến các vấn đề tranh chấp tại Biển Đông, phán quyết của PCA được xem như là “bảo bối pháp lý” và mở ra hy vọng cho các bên tranh chấp trong nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hòa bình để giải quyết dứt điểm các tranh chấp tại khu vực. Ngoài ra, bằng những lập luận sắc bén và toàn diện về các khía cạnh pháp lý và lịch sử liên quan đến các quy định của UNCLOS, phán quyết của PCA không chỉ tác động tới các bên tranh chấp mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển của Luật pháp quốc tế nói chung và Luật Biển quốc tế nói riêng.
Thông qua những tham luận tại tọa đàm, các chuyên gia đã khái quát những diễn biến chủ yếu của vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, phân tích những nội dung chính trong phán quyết của PCA cũng như những tác động của phán quyết đối với Việt Nam và các nước liên quan. Nội dung của tọa đàm đã cung cấp một cái nhìn khách quan, toàn diện, đa chiều về toàn bộ vụ việc. Bên cạnh đó, với tinh thần thẳng thắn, khách quan, những nội dung trao đổi trực tiếp của các diễn giả trong buổi tọa đàm tiếp tục làm sáng tỏ những cơ sở khoa học và thực tiễn, khẳng định tính bất hợp pháp trong các yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, “đường 9 đoạn” và những hành vi mà Trung Quốc đã thực hiện trong suốt thời gian qua.
Đánh giá cao việc tổ chức tọa đàm là một diễn đàn đầu tiên mang tính khoa học về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, TS.Trần Công Trục – nguyên Trưởng ban Biên giới quốc gia đã chia sẻ những tác động tích cực của phán quyết PCA đối với Việt Nam. Nổi bật là thu hẹp đáng kể các tranh chấp mà Trung Quốc cố tình tạo ra ở Biển Đông, nhất là “đường lưỡi bò” và có thêm căn cứ pháp lý để tập hợp được sức mạnh khu vực, quốc tế…
Ông Trục quan niệm, mặc dù phán quyết PCA không phải là giải pháp duy nhất cho mọi tranh chấp ở Biển Đông nhưng nó có tác dụng đáng kể góp phần giải quyết cơ bản và lâu dài các tranh chấp phức tạp trong Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Theo ông Trục, chúng ta nên chủ động đẩy mạnh tuyên truyền về vụ kiện này, về phán quyết PCA, tỏ rõ lập trường của Việt Nam trong việc ủng hộ và bảo vệ UNCLOS, ca ngợi sự công tâm và sáng suốt của các thẩm phán tham gia vụ kiện…
Đại diện lãnh đạo Nhà trường nhấn mạnh, tọa đàm là một trong những hoạt động nhằm gắn kết giữa công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy của Trường với những vấn đề của quốc gia, khu vực và thế giới, tạo diễn đàn để các học giả, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trao đổi học thuật về những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của PCA. Những kết quả thu được sẽ là nguồn tài liệu, thông tin quý báu dưới góc độ khoa học và thực tiễn cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu về Luật pháp quốc tế nói chung và Luật Biển quốc tế nói riêng, đồng thời là căn cứ tin cậy để Trường Đại học Luật Hà Nội cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ cho quá trình hội nhập, giải quyết tranh chấp và bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển.
H.Thư