Chiều 14/7, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật phối hợp với Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức hội nghị góp ý dự thảo đề án huy động sự tham gia của luật sư trong xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến luật sư và hành nghề luật sư.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, thực hiện quy định của Luật ban hành VBQPPL năm 2015 về sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội vào xây dựng VBQPPL và dự thảo VBQPPL, luật sư với những lợi thế của mình ngoài việc tham gia vào quá trình tố tụng cũng có thể tham gia vào việc xây dựng pháp luật giúp Chính phủ tham mưu trình các dự án có tính khả thi, đáp ứng vai trò thực tiễn.
Theo đại diện của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, thời gian qua, Liên đoàn Luật sư, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố và tổ chức hành nghề luật sư đã tích cực tham gia xây dựng, sửa đổi các VBQPPL. Những chương trình cải cách, xây dựng pháp luật và dự án sửa đổi, bổ sung những đạo luật quan trọng của đất nước đều có sự tham gia của Liên đoàn Luật sư VN cũng như các luật sư thành viên. Ở địa phương, các Đoàn luật sư đã triển khai nhiều hoạt động trong công tác tham gia xây dựng các đạo luật và các văn bản QPPL của địa phương và tham gia vào việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân và cộng đồng xã hội về những VBQPPL mới.
Tuy nhiên, hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của luật sư còn bộc lộ một số hạn chế như quyền tham gia của luật sư được quy định trong pháp luật hiện hành còn chung chung, Liên đoàn Luật sư cũng chưa thực sự phát huy đầy đủ vai trò, tiềm năng của mình trong việc phản biện chính sách, pháp luật và thực hiện trách nhiệm xã hội của luật sư; các luật sư chủ yếu góp ý những văn bản luật liên quan trực tiếp đến luật sư mà chưa quan tâm đến góp ý văn bản ở lĩnh vực khác…
Dự thảo Đề án đưa ra mục tiêu, yêu cầu, các hoạt động chủ yếu và tổ chức thực hiện đề án, trong đó đáng chú ý là các giải pháp huy động sự tham gia của luật sư trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.
Luật sư Vũ Tiến Lập, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, không nên dựa hoàn toàn vào “kênh hành chính” của Liên đoàn Luật sư vì như vậy sẽ cứng nhắc. Việc góp ý các dự án luật có thể thực hiện qua các nhóm luật sư (đã hình thành trên thực tế) hoặc với từng cá nhân luật sư cụ thể, thông qua việc lấy ý kiến dự thảo trên Website, trên các phương tiện truyền thông, thậm chí là cả mạng xã hội. Theo ông Lập, quan trọng là phải huy động được các luật sư có kinh nghiệm, có uy tín tham gia vào quá trình xây dựng văn bản.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng Đề án rất cần thiết với giới luật sư bởi hiện nay “hệ thống pháp luật còn nhiều vấn đề”. Luật sư Đức nhấn mạnh phải lắng nghe nhiều quan điểm, trong đó có cả quan điểm trái chiều, mang tính phản biện của luật sư. “Bộ Tư pháp có thể cho Luật sư tham gia vào Tổ biên tập các dự án luật, tham gia vào Hội đồng thẩm định”, Luật sư Đức đề xuất.
Đại diện Cục Bổ trợ Tư pháp góp ý thêm: Đề án nên rõ các công việc luật sư được làm, được tham gia đến đâu… để có thể áp dụng ngay vào thực tiễn mà không cần lại phải ban hành thêm văn bản hướng dẫn. Đồng thời, có thể lập Tổ thẩm định hoặc phản biện đối với các dự luật trước khi thông qua để tránh sai sót. Bên cạnh đó cần thêm nhiều cơ chế đãi ngộ với luật sư khi tham gia xây dựng văn bản. Đại diện Vụ Pháp luật Quốc tế lưu ý, cần có cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho luật sư.
Ngọc Minh