Đó là một trong những yêu cầu của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành trong buổi làm việc với đại diện lãnh đạo 26 Cục Thi hành án dân sự địa phương (bao gồm: An Giang, Bến Tre, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Kiên Giang, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Long An, Tp.Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Thái Nguyên, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Sóc Trăng) về tình hình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ 5 tháng đầu năm 2016.
Báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ Thi hành án dân sự (THADS) của một số địa phương 5 tháng đầu năm 2016, Phó Tổng Cục trưởng Mai Lương Khôi cho biết, số lượng việc và tiền thụ lý toàn quốc tăng mạnh (tăng 9.140 việc (1,87%) và trên 25.235 tỷ đồng (29,13%) so với cùng kỳ năm 2015), đặc biệt kết quả thi hành án dân sự 05 tháng đầu năm 2016 đã có những chuyển biến so với cùng kỳ năm 2015: đã thi hành xong số việc và tiền cao hơn về giá trị tuyệt đối (cao hơn 4.674 việc và trên 737 tỷ đồng) và đạt tỷ lệ cao hơn về việc (cao hơn 8,49%); tỷ lệ phân loại án có điều kiện thi hành tương đối cao (gần 80% về việc và 85,17% về tiền). Có riêng 26 địa phương mặc dù có số phải thi hành chiếm tới 68% số việc và trên 86% số tiền phải thi hành của toàn quốc, song các cơ quan THADS địa phương đã nỗ lực thi hành xong gần 103.000 việc, tương đương với số tiền gần 6.000 tỷ đồng (chiếm 62,42% về việc và 81,09% số việc và tiền thi hành xong của toàn quốc).
|
|
Tuy nhiên, kết quả thi hành án xong về việc và về tiền của toàn quốc, trong đó có 26 địa phương trên vẫn chưa có sự đột phá và còn khoảng cách khá xa so với chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án năm 2016 (70% về việc và 30% về tiền) được Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao; số việc và tiền có điều kiện chuyển kỳ sau vẫn còn lớn; số hoãn còn nhiều...
Tham gia trao đổi thẳng thắn, Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Lê Quang Tiến có nêu lên các nguyên nhân khiến quá trình thi hành án kéo dài như điều kiện kinh tế khó khăn, tín dụng ngân hàng tăng, tạo áp lực cho chấp hành viên trong việc hoàn thành chỉ tiêu; còn nhiều khó khăn trong khâu xử lý tài sản đảm bảo; tài sản thế chấp, động sản khó xác minh, thu hồi mà chỉ có thể yêu cầu đưa về chờ xử lý; chấp hành viên còn lúng túng khi thực hiện các trình tự, thủ tục của các án về kinh doanh thương mại.
Quyền cục trưởng Cục THADS TP Hồ Chí Minh Vũ Quốc Doanh cho biết, cơ quan thi hành án đã tiến hành kê biên nhưng không nhận được bản án là một trong các lý do chính khiến tỷ lệ các vụ việc có điều kiện thi hành còn thấp. Cụ thể đối với vụ Huyền Như có 22 tài sản các loại phải thi hành án song cơ quan điều tra Bộ công an chỉ chuyển bản photo các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu với lý do đang điều tra lại vụ án nên cơ quan thi hành án chưa thi hành được.
Nhiều khó khăn, nguyên nhân khác cũng được các địa phương đề cập tới như: khâu xác định sở hữu tài sản chung, riêng trong quá trình thi hành án còn rất phức tạp, cần nhờ đến tòa án nghiên cứu, xử lý; định giá tài sản còn xảy ra sai sót, khó kê biên; bất động sản giảm giá rất nhiều lần nhưng vẫn không bán được; công tác cán bộ còn yếu và thiếu, chấp hành viên thiếu kinh nghiệm, lãnh đạo đơn vị không phát huy được năng lực quản lý điều hành dẫn tới việc áp dụng pháp luật vào thực tế còn lúng túng…
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Cục trưởng Hoàng Sỹ Thành nêu rõ lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục luôn sẵn sàng chia sẻ với các địa phương nói trên ở mọi phương diện để tạo được cơ chế, thể chế hoạt động thuận lợi và hiệu quả nhất. Hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống THADS – là cơ hội để nâng cao vị thế của cơ quan THADS nhưng đi kèm với đó cũng là khối lượng công việc với trách nhiệm và áp lực rất lớn. Do đó, để phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra, mỗi đơn vị, cá nhân cần thực hiện các giải pháp để khắc phục yếu kém, sai sót một cách kịp thời.
Đối với Tổng cục, cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của các địa phương, tiếp tục hoàn thiện một số thông tư để tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn nữa; chú trọng đến các án lớn trong khâu hướng dẫn nghiệp vụ; sớm tạo cơ chế, thể chế thi tuyển, tập huấn bồi dưỡng kiểm tra cho cán bộ địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, giám sát, điều hành.
Về phía các địa phương, cần nâng cao năng lực, trách nhiệm của Cục trưởng, Chi Cục trưởng; giải quyết khiếu nại, tố cáo dứt điểm từ cơ sở, không gây bức xúc cho nhân dân. Công tác tổ chức cán bộ cần được đánh giá, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm theo đúng quy định, trình tự; tạo môi trường tốt để cán bộ phấn đấu, rèn luyện; chấn chỉnh kỷ cương, xử lý nghiêm khắc những người vi phạm kỷ luật, gây nhũng nhiễu, phiền hà cho nhân dân. Tập trung cao độ giải quyết triệt để các vụ việc thi hành án dân sự trọng điểm, các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng.
Ngoài ra, với những nơi còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh phí hạn hẹp, cần tranh thủ sự ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền địa phương đồng thời chủ động xây dựng các mối quan hệ theo quy chế phối hợp để tăng cường nguồn ngân sách xã hội hóa.
Kim Quy