Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác THADS 2016

07/03/2016
Trong hai ngày 11, 12/12/2015, Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2016 đã được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ngày 02 tháng 3 năm 2016, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đã ký văn bản số 581/BTP-TCTHADS thông báo Phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị và yêu cầu các cơ quan Thi hành án dân sự quán triệt, nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện các ý kiến phát biểu chỉ đạo.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong năm 2015, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự nỗ lực của toàn dân, kinh tế-xã hội nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt mức khá cao. Văn hoá, xã hội đạt kết quả tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; chính trị-xã hội ổn định. Đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Trong thành tựu chung đó của cả nước, có sự đóng góp đáng kể của Ngành Tư pháp nói chung và các cơ quan thi hành án dân sự nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, các cơ quan thi hành án dân sự cũng cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần nghiên cứu, rút ra những bài học kinh nghiệm, có những giải pháp thiết thực, cụ thể để khắc phục trong thời gian tới như (1) Số việc, số tiền chưa thi hành được vẫn còn lớn. Nhiều bản án dân sự tồn đọng từ lâu đến nay vẫn chưa thi hành được; (2) Số việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác thi hành án dân sự có xu hướng gia tăng; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; (3) Sự phối hợp liên ngành, nhất là với Tòa án, Viện Kiểm sát vẫn còn những bất cập. Nhiều cơ quan thi hành án dân sự chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong công việc, nhất là đối với việc thi hành các vụ án phức tạp, kéo dài; (4) Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân, vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật, thậm chí bị xử lý hình sự vẫn diễn ra, làm giảm uy tín của hệ thống cơ quan thi hành án nói riêng và của ngành tư pháp nói chung (năm 2015 có 5 cán bộ, công chức bị truy tố và nhiều người bị xử lý hành chính…).
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2016, đất nước ta tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Chính phủ sẽ tập trung mọi nỗ lực để tổ chức triển khai các văn kiện của Đại hội, trong đó có Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Đất nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với việc tham gia Cộng đồng ASEAN, ký kết rất nhiều FTA, trong đó có nhiều đối tác lớn (TPP, EU, Liên minh Á-Âu…). Do đó, chúng ta đứng trước nhiều thời cơ, vận hội nhưng cũng phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển. Riêng đối với công tác thi hành án dân sự, chúng ta tiếp tục thực hiện Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, thực hiện Nghị định 62/2015/NĐ-CP, Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp trong đó có thi hành án dân sự, về thực hiện Thừa phát lại và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực thi các Luật liên quan khác. Do vậy, nhiệm vụ đối với công tác thi hành án dân sự năm 2016 là rất lớn. Năm 2016 cũng là năm kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển của cơ quan thi hành án dân sự (19/7/1946-19/7/2016). Hệ thống Thi hành án dân sự nói riêng và toàn Ngành Tư pháp nói chung cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, phải thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Tư pháp cần góp phần của mình là thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta” “Cán bộ tư pháp phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.
Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Tư pháp, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại và làm tốt một số công việc chủ yếu sau:
Thứ nhất, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự cần tích cực tham mưu, đề xuất những chính sách, giải pháp căn cơ, lâu dài để tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Trong đó, cần triển khai kịp thời các quy định mới của Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và Nhân dân. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai các Luật mới được ban hành có liên quan đến công tác thi hành án dân sự.
Thứ hai, Bộ Tư pháp và toàn Hệ thống Thi hành án dân sự cần quyết liệt, chủ động, có kế hoạch cụ thể ngay từ đầu năm để tổ chức triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao. Công tác thi hành án dân sự cần bám sát các văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng như các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến công tác thi hành án và thực hiện chế định Thừa phát lại. Tiếp tục đổi mới sự chỉ đạo, điều hành đối với công tác thi hành án dân sự từ Tổng cục đến Cục, Chi cục; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; bảo đảm sự thông suốt trong chỉ đạo, điều hành từ trên xuống dưới. Phối hợp chặt chẽ, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh giữa cơ quan thi hành án dân sự với Tòa án, Viện kiểm sát và các cơ quan liên quan khác.
Thứ ba, cùng với quá trình hội nhập thì các vụ việc thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài càng nhiều. Đề nghị Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án cần chủ động có kế hoạch cụ thể, phù hợp để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, từ xây dựng thể chế đến đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ cho cán bộ, công chức và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thi hành án.
Thứ tư, Bộ Tư pháp và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự, nhất là thực hiện chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết của Quốc hội; chuẩn bị dự án Luật Thừa phát lại, báo cáo Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV. Hoạt động Thừa phát lại gắn chặt với thi hành án dân sự, cần đề cao và phát huy vai trò của Tổng cục Thi hành án dân sự trong công tác này.
Thứ năm, chú trọng công tác xây dựng ngành trong sạch, vững mạnh; nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất của cán bộ, công chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống vi phạm, tiêu cực, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động thi hành án dân sự. Làm tốt hơn công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm và quản lý cán bộ lãnh đạo các cơ quan Thi hành án dân sự. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, kiểm soát công việc và trong công tác chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thi hành án.
Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tăng cường giám sát theo thẩm quyền đối với công tác thi hành án dân sự. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm chỉ đạo Tòa án, Viện kiểm sát các cấp tăng cường phối hợp với các cơ quan thi hành án, nhất là trong việc xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự, giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn được triển khai hiệu quả./.       
                                                                        Văn phòng Tổng cục THADS