Đoàn công tác của Bộ Tư pháp kết thúc tốt đẹp Khóa đào tạo tại Nhật Bản

08/12/2015
Đoàn công tác của Bộ Tư pháp kết thúc tốt đẹp Khóa đào tạo tại Nhật Bản
Trong khuôn khổ Khoá đào tạo về nghiệp vụ, kỹ năng soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật tại Nhật Bản, từ ngày 23/11/2015 đến 03/12/2015, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp Việt Nam đã làm việc với các Chuyên gia của Bộ Tư pháp Nhật Bản, Cục Pháp chế Hạ nghị viện, Cục Pháp chế Nội các, Văn phòng Thủ đô Tokyo và Giáo sư của Trường Đại học Nagoya - Nhật Bản.

Qua trao đổi, nghiên cứu cho thấy, công tác xây dựng pháp luật của Nhật Bản cũng có những điểm tương đồng với pháp luật Việt Nam, từ việc đề xuất xây dựng luật, xây dựng chính sách, soạn thảo dự án, dự thảo văn bản đến tiêu chí khi thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đăng tải văn bản quy phạm pháp luật trên Công báo và dịch văn bản sang tiếng nước ngoài... Song, bên cạnh đó, giữa 02 nước cũng có những điểm khác biệt trong lĩnh vực này, cụ thể như: Nhật Bản không có Luật về ban hành văn bản quy phạm pháp, ngoài những quy định chung trong các luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước thì hoạt động xây dựng pháp luật của Nhật Bản được thực hiện thống nhất trên cơ sở nội dung được hướng dẫn trong các cuốn Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ về xây dựng pháp luật và Từ điển bách khoa toàn thư về chuyên ngành Luật. Bên cạnh đó, các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành hoặc trình Nghị viện ban hành đều được thẩm định, thẩm tra rất chặt chẽ, trong đó, ý kiến của cơ quan thẩm định (Cục Pháp chế Nội các) là có giá trị bắt buộc. Pháp luật Nhật Bản quy định Chính phủ và các Bộ chỉ được ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đã được uỷ quyền trong Luật. Về tổ chức bộ máy nhà nước, sau cuộc cải cách năm 2000, Nhật Bản đã phân định rõ thẩm quyền của chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương theo hướng chính quyền địa phương (tương ứng cấp tỉnh và cấp xã) được trao quyền tự chủ rất lớn nhằm phát huy vai trò tự quản trị của địa phương… Ngoài Hiến pháp, luật do Nghị viện ban hành thì trong hệ thống pháp luật của Nhật Bản không có sự phân biệt về thứ bậc hiệu lực pháp lý giữa văn bản của chính quyền cấp Trung ương với văn bản của chính quyền địa phương, văn bản của chính quyền cấp tỉnh với văn bản của chính quyền cấp xã.

Kết thúc Khóa đào tạo tại Nhật Bản, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp Việt Nam đã thu được một số kiến thức và kinh nghiệm quan trọng nhằm phục vụ quá trình xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, trong đó có thể khái quát ở một số khía cạnh chủ yếu như sau:

Thứ nhất, tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời các văn bản pháp luật được Quốc hội thông qua, trong đó có Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; xây dựng, ban hành các cuốn Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu để xây dựng cuốn Từ điển bách khoa toàn thư về chuyên ngành luật. Trong đó, cần chú trọng khâu phân tích, đánh giá chính sách để bảo đảm tính khả thi; tăng cường công tác góp ý, thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật, xem đây là đầu vào quan trọng trong hoạt động xây dựng pháp luật.

Thứ hai, phát huy vai trò của cơ quan có thẩm quyền thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện nghiêm kết luận của cơ quan thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, theo đó phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng không chỉ trong lĩnh vực pháp luật, mà còn đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực khác nhằm nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ làm công tác này. Một trong những bài học quan trọng của Nhật Bản là chính sách điều động, luân chuyển hợp lý đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật trong nội bộ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, cũng như giữa các Bộ, ngành với nhau được thực hiện thường xuyên.

Thứ ba, đẩy mạnh tổ chức triển khai thi hành pháp luật, chú trọng các cơ chế kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; xác định cụ thể, rõ ràng tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật.

Những kết quả thu được từ Khóa đào tạo tại Nhật Bản là kinh nghiệm quý báu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức theo dõi thi hành pháp luật tại Việt Nam trong thời gian tới./.

                       Đoàn công tác của Bộ Tư pháp