Chia sẻ thông tin giữa các cơ sở dữ liệu thông qua số định danh cá nhân

04/12/2015
Chia sẻ thông tin giữa các cơ sở dữ liệu thông qua số định danh cá nhân
Sáng 4/12, Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án 896 đã tổ chức hội thảo về tiêu chuẩn kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với các CSDL chuyên ngành thông qua số định danh cá nhân. Ông Ngô Hải Phan – Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án 896 và ông Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án 896 đồng chủ trì hội thảo.

Theo Luật Hộ tịch, từ 01/01/2016 khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mới sinh ra, một số thông tin nhân thân của trẻ em như: Họ tên, ngày sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, quê quán, họ tên cha, họ tên mẹ sẽ được đẩy sang hệ thống cấp số định danh cá nhân của Bộ Công an. Sau khi thực hiện kiểm tra đối soát dữ liệu, hệ thống cấp số định danh sẽ dựa trên các thông tin nhận được để mã hóa, sinh số định danh theo cấu trúc quy định và gửi về hệ thống thông tin hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, từ đó cấp giấy khai sinh cho công dân đã bao gồm mã số định danh cá nhân. Số định danh này sẽ theo cá nhân đến suốt đời, không thay đổi.

 

 

Việc cập nhật các biến động về hộ tịch vào CSDL quốc gia về dân cư cũng sẽ được thực hiện dựa trên mã định danh cá nhân. Khi có phát sinh dữ liệu liên quan đến kết hôn, khai tử, cải chính hộ tịch, thay đổi giới tính…, trên Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch, dữ liệu sẽ được gửi về Hệ thống CSDL Quốc gia về dân cư kèm với Mã định danh cá nhân của công dân đăng ký. Dựa vào mã định danh cá nhân này, Hệ thống CSDL quốc gia về dân cư sẽ tiến hành cập nhật thông tin (tình trạng kết hôn, thay đổi cải chính hộ tịch, thay đổi giới tính, khai tử,..) vào CSDL. 

 

 

Ông Nguyễn Trung Dũng đến từ Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp cho biết: Đối với các CSDL chuyên ngành tư pháp khác như CSDL lý lịch tư pháp, CSDL quốc tịch, CSDL xử lý vi phạm hành chính,…khi CSDL quốc gia về dân cư chính thức hoạt động, mỗi người dân đều có một mã định danh cá nhân riêng biệt, duy nhất, không trùng lặp thì các CSDL chuyên ngành Tư pháp nói trên cũng hoàn toàn có thể bổ sung thông tin, mở rộng phạm vi dữ liệu của CSDL Quốc gia về dân cư, đảm bảo trong đó có đầy đủ các thông tin biến động về lý lịch tư pháp, quốc tịch, phạt vi phạm hành chính… Các CSDL  chuyên ngành cũng chỉ cần  số định danh duy nhất của đương sự để thay thế cho các trường thông tin về nhân thân như hiện nay, đảm bảo thông tin nhân thân luôn chính xác, thay thế cho việc lưu thông tin nhân thân đương sự một cách rải rác, không đồng bộ và còn nhiều sai sót, trên từng hệ thống riêng rẽ như hiện nay. Với mã định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân, lưu trữ tại hệ thống CSDL quốc gia về dân cư cũng như các CSDL chuyên ngành khác sẽ từng bước hình thành mô hình Chính phủ điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân.

 

 

Về việc xây dựng lược đồ trao đổi dữ liệu dân cư, đại diện Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: nhiều nước trên thế giới đều xác định việc  xây dựng lược đồ là cần thiết nhằm đảm bảo tính liên thông khi trao đổi dữ liệu. Hầu hết các giải pháp đưa ra đều đặt lược đồ trao đổi dữ liệu dân cư là một thành phần của lược đồ trao đổi dữ liệu quốc gia, được sử dụng chung, thống nhất và có mức độ phức tạp phụ thuộc vào nhu cầu trao đổi dữ liệu của mỗi nước. Với thực tế ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam hiện nay, lược đồ trao đổi dữ liệu dân cư cần xây dựng từng bước, bắt đầu từ đơn giản để tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị có thể dễ dàng áp dụng, sau đó sẽ dần bổ sung các thành phần cho phù hợp với sự phát triển.