Họp Tổ biên tập Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

23/10/2015
Họp Tổ biên tập Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Sáng 23/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp Tổ biên tập dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (gọi tắt là dự thảo Nghị định). Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Tổ trưởng Tổ biên tập dự thảo Nghị định chủ trì cuộc họp.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, ngày 9/9/2015, Bộ Tư pháp tổ chức Phiên họp Ban soạn thảo (lần thứ nhất) để cho ý kiến về đề cương chi tiết Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở kết luận tại Phiên họp Ban soạn thảo, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã hoàn thiện Kế hoạch hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Ngày 11/9/2015, trưởng Ban soạn thảo ký quyết định ban hành kế hoạch xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Để bảo đảm thực hiện theo tiến độ soạn thảo Nghị định, Thường trực Tổ biên tập Nghị định đã chủ động triển khai các hoạt động nghiên cứu, dịch tài liệu nước ngoài để xây dựng Dự thảo Nghị định.

Cho ý kiến về dự thảo Nghị định, các đại biểu đã tập trung thảo luận về:

-Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Nghị định, các ý kiến thành viên Tổ biên tập cho rằng do Nghị định quy định cả các nội dung được giao quy định chi tiết và nội dung cần hướng dẫn thi hành nên lấy tên của Nghị định là “Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” là hợp lý. Hơn nữa, cũng bảo đảm phù hợp với thẩm quyền nội dung ban hành nghị định của Chính phủ (Điều 19 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Về Bảo đảm nguồn lực xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật năm 2015 dành 1 điều để quy định về việc bảo đảm nguồn lực cho xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó gồm chính sách thu hút cán bộ, công chức tham gia công tác xây dựng pháp luật; chính sách đào tạo, bồi dưỡng và hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, việc xác định phạm vi người làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn có ý kiến khác nhau. Việc xác định đúng đối tượng có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra những chính sách đãi ngộ, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng sau này.

Các ý kiến cho rằng dự thảo quy định gồm những đối tượng sau: (1) Người làm công tác phân tích chính sách pháp luật, lập đề nghị xây dựng chương trình xây dựng pháp luật; (2) Người làm công tác soạn thảo, thẩm định, góp ý, thẩm tra văn bản QPPL; (3) Người làm công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất, pháp điển văn bản QPPL; (4) Người làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính là vô cùng hợp lý, cần thiết trong công tác xây dựng pháp luật nói chung.

Kết luận cuộc họp, Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật – Tổ trưởng Tổ biên tập thống nhất Thường trực Tổ biên tập sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Tổ biên tập để hoàn thiện dự thảo Nghị định để báo cáo Ban soạn thảo dự thảo Nghị định./.