Góp ý Chỉ thị triển khai thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

21/10/2015
Góp ý Chỉ thị triển khai thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Sáng nay – 21/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp góp ý Chỉ thị về triển khai thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (gọi tắt là Chỉ thị). Ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật chủ trì cuộc họp.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, dự thảo Chỉ thị đã được lấy ý kiến và cơ bản nhận được sự đồng tình của các Bộ, ngành, địa phương. Trong thời gian tới, sau khi đã có Kế hoạch và Chỉ thị triển khai thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật, tập trung xây dựng Nghị định quy định chi tiết Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để ngày 01/7/2016 khi Luật có hiệu lực thì Nghị định cũng được ban hành để triển khai đồng bộ.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật

Tại cuộc họp, ông Võ Văn Tuyển – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã tóm tắt những nội dung cơ bản của Chỉ thị trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là công tác hoạch định, xây dựng chính sách; kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật…

   

Cho ý kiến về dự thảo Chỉ thị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc rà soát kế hoạch ban hành thông tư liên tịch để điều chỉnh cho phù hợp với tinh thần của Luật là không ban hành loại văn bản này, đối với những thông tư liên tịch chưa hoặc mới bắt đầu soạn thảo thì chỉ đạo dừng việc soạn thảo và đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định để quy định về các nội dung đó; đồng thời cho ý kiến về lộ trình bãi bỏ các quy định thủ tục hành chính đã được ban hành trong các văn bản quy phạm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.  

Lựa chọn người có năng lực cho công tác xây dựng văn bản pháp luật

Với nội dung kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật trong Chỉ thị, đại diện Bộ Nội vụ đề xuất, Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chính là cơ hội để củng cố đội ngũ xây dựng pháp luật, do đó, cần rà soát những người có đủ tiêu chuẩn, năng lực để thực hiện luân chuyển, điều động về làm công tác xây dựng văn bản pháp luật. Đại diện Bộ Nội vụ cũng đề nghị cần phải tăng cường kinh phí cho xây dựng, hoạch định chính sách pháp luật.

 

Đồng tình với ý kiến này, đại diện Kiểm toán nhà nước cũng cho rằng, đối với kinh phí cho hoạt động xây dựng, đánh giá chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản, không chỉ quy định “bảo đảm đủ” mà trong Chỉ thị cần phải quy định “tăng cường” kinh phí cho hoạt động này, đây cũng là một trong các điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật nói chung.

Hoàng Vy Anh