Trong khuôn khổ của Dự án hợp tác với Chính phủ Nhật Bản về “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020”, ngày 12 tháng 10 năm 2015, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Dự án JICA) tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (dự thảo Thông tư).
Tham dự Tọa đàm, về phía Dự án JICA có ông Tsukahara Masanori - chuyên gia dài hạn của Dự án JICA; về phía Việt Nam có đại diện thường trực Tổ biên tập, các đại biểu đại diện cho các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như: Cục Công tác phía Nam, Cục Thi hành án dân sự và một số Chi cục, Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân, Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản, trường Đại học Kinh tế - Luật, Hiệp hội bất động sản, Văn phòng đăng ký đất đai và một số Chi nhánh, một số tổ chức tín dụng, tổ chức hành nghề công chứng.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Ông Phạm Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm khẳng định, đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, cần thiết nhằm tham khảo ý kiến góp ý của các chủ thể có liên quan trong việc áp dụng pháp luật như tổ chức tín dụng, tổ chức hành nghề công chứng, Văn phòng đăng ký đất đai…đối với dự thảo; nghe phản ánh vướng mắc, khó khăn từ thực tiễn triển khai công tác đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để từ đó tiếp tục phát hiện những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung và tiếp tục hoàn thiện dự thảo. Tọa đàm cũng là diễn đàn quan trọng để đại biểu Việt Nam tìm hiểu và tham khảo kinh nghiệm về đăng ký thế chấp bất động sản của Nhật Bản, từ đó nghiên cứu, ứng dụng vào việc hoàn thiện pháp luật của Việt Nam.
Trên cơ sở bản thuyết minh về những nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư liên tịch do bà Văn Thị Khanh Thư - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã trình bày, Chuyên gia của Dự án JICA và các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý vào từng điều khoản cụ thể của dự thảo Thông tư như: phạm vi điều chỉnh; phương thức nộp hồ sơ đăng ký thế chấp; căn cứ từ chối đăng ký thế chấp; thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký thế chấp; hồ sơ, thủ tục đăng ký thế chấp, đăng ký thay đổi, đăng ký văn bản thông báo xóa đăng ký thế chấp; đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất đã hình thành nhưng chưa được chứng nhận quyền sở hữu… Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng phản ánh thêm những vướng mắc liên quan đến việc thế chấp và đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, việc xử lý tài sản bảo đảm liên quan đến tài sản đăng ký thế chấp để góp phần tạo cơ sở thực tiễn cho việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật.
Kết thúc Tọa đàm, đại diện cho đơn vị chủ trì soạn thảo - Ông Phạm Tuấn Ngọc khẳng định, những ý kiến góp ý của các chuyên gia và các đại biểu tại buổi Tọa đàm là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để Tổ biên tập và nhóm soạn thảo thuộc Cục Đăng ký tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Thông tư./.
Nguyễn Hoa