Ngành Tư pháp tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của cấp ủy và chính quyền địa phương
Tại Hội nghị, đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam báo cáo kết quả triển khai các nhiệm vụ của công tác tư pháp trong 9 tháng đầu năm 2015. Theo đó, công tác tư pháp tại các địa phương trong khu vực phía Nam đã bám sát 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Thông báo kết luận của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2015. Theo đó, công tác tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân; việc thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được quan tâm thực hiện, cơ bản bảo đảm chất lượng, tiến độ; công tác kiểm soát thủ tục hành chính, quản lý xử lý vi phạm hành chính được chú trọng thực hiện từng bước có sự chuyển biến tích cực; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được giữ vững; công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, lý lịch tư pháp từng bước đã có sự đổi mới, tình trạng cấp phiếu lý lịch tư pháp trễ hạn giảm đáng kể; việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng, luật sư, thừa phát lại được đẩy mạnh...
Các hoạt động tư pháp được gắn với việc thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp, các khu vực thi đua phía Nam đã tổ chức thành công hội thao, hội diễn văn nghệ. Những kết quả nêu trên đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của từng địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, qua đó, vai trò của các cơ quan tư pháp trong đời sống kinh tế - xã hội ngày càng được khẳng định, vị trí của cơ quan tư pháp ngày càng được củng cố, nâng cao. Để đạt được những kết quả nêu trên là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ được giao của các Sở Tư pháp và sự quan tâm kịp thời của cấp ủy và chính quyền địa phương đối với công tác tư pháp.
Thẳng thắn nhìn nhận khó khăn trong công tác tư pháp
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã lần lượt nghe các ý kiến tham luận và thảo luận của đại diện các Sở Tư pháp trong Khu vực với tinh thần thẳng thắn, xây dựng nhằm chỉ ra những bất cập, hạn chế và nguyên nhân, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các ý kiến được tập trung chủ yếu vào các nội dung như: (i) Cơ chế theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở địa phương chưa được cụ thể, vai trò điều phối, trách nhiệm Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp chưa được quy định rõ. (ii) Quá trình thực hiện Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng chưa quy định rõ đối tượng chuyển đổi; việc xác định giá quyền nhận chuyển đổi mang tính định tính, khó xác định. (iii) Tình trạng tồn đọng những thông tin lý lịch tư pháp từ trước năm 2010 chưa được xử lý còn xảy ra ở nhiều địa phương trong Khu vực. (iv) Việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho các cơ quan tư pháp tại địa phương chưa gắn kết đồng thời với việc bổ sung biên chế, kinh phí, nhất là các lĩnh vực như lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, pháp chế... Trên cơ sở những khó khăn, hạn chế được nêu trên, đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ đã trả lời và giải đáp cơ bản các vấn đề khó khăn, vướng mắc do đại biểu nêu ra.
Hội nghị cũng được nghe đại diện các đơn vị thuộc Bộ trình bày nội dung của những nội dung lớn, quan trọng của dự thảo các văn bản: Nghị quyết cho triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại, Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Luật tiếp cận thông tin.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Hồng Quân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng: Hội nghị đã diễn ra thành công tốt đẹp và đạt được mục đích theo Kế hoạch đặt ra. Hội nghị trở thành “cầu nối hiệu quả” để góp phần chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay cũng như cùng trao đổi, thảo luận tìm ra những giải pháp tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Đồng chí hy vọng rằng, Hội nghị giao ban công tác tư pháp khu vực phía Nam sẽ tiếp tục được duy trì và ngày càng đổi mới để đạt được kết quả cao nhất…
Kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Tiến Châu - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của công tác tư pháp khu vực phía Nam trong 9 tháng đầu năm 2015. Đồng thời, đồng chí cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ trước mắt cần được các Sở Tư pháp quan tâm, chú trọng thực hiện như: (i) Tiếp tục nỗ lực phấn đấu, có giải pháp đột phá thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, bám sát Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đặt ra trong 3 tháng cuối năm; (ii) Tích cực tham mưu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp mình và chuẩn bị các nội dung liên quan đến công tác tư pháp phục vụ cho Đoàn Đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; (iii) Đẩy nhanh việc thực hiện có hiệu quả các Luật đã được Quốc hội thông qua, đặc biệt đối với các luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân; (iv) Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý; tinh giản, giảm bớt chi phí bộ máy hành chính, tập trung nguồn lực cho việc nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý; (v) Liên quan đến công tác bổ trợ tư pháp, chú ý chấn chỉnh tình trạng sai phạm trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của các tổ chức hành nghề công chứng; nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư; (vi) Thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện; Đề án Vị trí việc làm phù hợp với chủ trương, chính sách về tinh giản biên chế.
Lâm Trần