Được sự đồng ý của Bộ Tư pháp, ngày 25/6/2015, Trường Đại học Luật Hà Nội đã phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) tổ chức Hội thảo quốc tế: Phát huy vai trò của luật sư trong tố tụng hình sự. Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các vị khách quốc tế đến từ UNDP Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ, Cộng hòa Pháp tại Việt Nam…; các nhà nghiên cứu đến từ Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Cảnh sát, Học viện An ninh nhân dân; những người làm công tác thực tiễn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, TAND tối cao, TAND Thành phố Đà Nẵng, TAND tỉnh Nghệ An, TAND Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh; các luật sư đến từ Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, An Giang…
Trong một ngày làm việc tích cực, sôi nổi dưới sự đồng chủ trì của TS. Chu Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; Ngài Scott Ciment – Cố vấn chính sách về pháp quyền và tiếp cận công lý, UNDP Việt Nam; TS. Phan Thị Thanh Mai – Trưởng Khoa pháp luật hình sự Trường Đại học Luật Hà Nội, các đại biểu đã bàn luận về vấn đề vai trò của luật sư trong tố tụng hình sự trên ba phương diện: Chuẩn mực quốc tế; pháp luật và thực tiễn tại một số quốc gia; quy định pháp luật và thực tiễn tại Việt Nam… Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc đánh giá, đưa ra những giải pháp nâng cao vai trò của luật sư trong tố tụng hình sự tại Việt Nam.
Trong tố tụng hình sự, luật sư có vai trò hết sức quan trọng. Thông qua bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người buộc tội bằng những phương tiện hợp pháp, luật sư thể hiện vai trò trong việc bảo vệ quyền công dân, góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam. Trong những năm qua, việc tham gia của luật sư vào hoạt động bào chữa ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, góp phần bảo đảm dân chủ, bình đẳng, khách quan trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, việc tham gia tố tụng của luật sư trong một số vụ án còn khó khăn; chất lượng bào chữa chưa đáp ứng yêu cầu; một số trường hợp luật sư chưa đóng vai trò giám sát, phản biện với quá trình điều tra, truy tố; kết quả tham gia tranh tụng của luật sư tại phiên tòa còn hạn chế; tỉ lệ vụ án xét xử có người bào chữa còn thấp... Thực trạng này do nhiều nguyên nhân như pháp luật vẫn thiếu cơ chế để bảo đảm cho luật sư thực hiện quyền năng tố tụng; người dân chưa thực sự tin tưởng vào luật sư; trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp của luật sư chưa cao... Trong đó, các đại biểu tập trung phân tích các bất cập của BLTTHS khi quy định về quy định người bào chữa như: quy định về người bào chữa còn hẹp và chưa cụ thể; các quy định về thủ tục tố tụng còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho luật sư trong việc thực hiện bào chữa…
Trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật, đánh giá thực trạng đội ngũ luật sư tại Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm được các đại biểu quốc tế chia sẻ, các đại biểu tham dự Hội thảo đã đưa ra nhiều kiến nghị nâng cao vai trò của luật sư trong tố tụng hình sự tại Việt Nam hiện nay như: Hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự để có cơ chế pháp lí bảo đảm cho việc thực hiện quyền của luật sư; tăng cường nhận thức của xã hội về vai trò của luật sư; nâng cao năng lực của luật sư; xác định đúng vai trò của các cơ quan trong tố tụng hình sự… Trong đó nhấn mạnh việc hoàn thiện BLTTHS phải hướng tới việc tạo cơ hội để bên bào chữa trở thành bên có vị trí độc lập, bình đẳng với các chủ thể khác, nhất là chủ thể thực hiện chức năng buộc tội; đổi mới trình tự, thủ tục xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa; sửa đổi quy định tại Điều 58 BLTTHS về người bào chữa theo hướng: bổ sung quy định người bào chữa có quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt và quyền chủ động hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can; bổ sung quyền được giao nhận các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa, quyền gặp hỏi, tư vấn pháp lí cho người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam…
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Chu Mạnh Hùng đánh giá: Hội thảo thực sự là diễn đàn chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm hữu ích cho việc phát huy vai trò của luật sư trong tố tụng hình sự tại Việt Nam hiện nay. Kỷ yếu Hội thảo không những là nguồn tài liệu thiết thực cho công tác nghiên cứu, đào tạo mà còn là cơ sở để Ban tổ chức tổng hợp các ý kiến góp ý gửi các cơ quan có thẩm quyền tham khảo, đặc biệt là gửi đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao – cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo BLTTHS sửa đổi để góp phần hoàn thiện BLTTHS./.
Quỳnh Hoa