Hội thảo “Quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam – Lý luận và thực tiễn”

22/06/2015
Hội thảo “Quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam – Lý luận và thực tiễn”
Sáng ngày 19/6/2015, Hội thảo “Quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam – Lý luận và thực tiễn” đã được tổ chức tại Trường Đại học Luật Hà Nội với sự tham dự của đông đảo các giảng viên của Trường Đại học Luật Hà Nội, những người làm công tác nghiên cứu cũng như thực tiễn đến từ Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân,… Hội thảo do TS. Chu Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Nguyễn Minh Đoan và TS. Nguyễn Văn Năm – Khoa Hành chính-Nhà nước đồng chủ trì.

Với 14 bài tham luận gửi đến Hội thảo cùng hơn 10 lượt ý kiến góp ý, các đại biểu tập trung bàn về các vấn đề: Khái niệm quy phạm pháp luật, cơ cấu và phân loại quy phạm pháp luật; quy phạm pháp luật của một số ngành luật cụ thể như: luật hành chính, luật hình sự, luật dân sự và tố tụng dân sự, tư pháp quốc tế, pháp luật quốc tế; vấn đề án lệ…

Liên quan đến những nội dung này, các đại biểu đưa ra khá nhiều ý kiến đa chiều, nhiều nội dung đã được thống nhất về nhận thức nhưng cũng có những nội dung còn cần được tiếp tục bàn luận. Đặc biệt, có những ý kiến mang tính bứt phá so với các quan niệm truyền thống, đưa ra cách nhìn mới trong nghiên cứu khoa học.  Về khái niệm quy phạm pháp luật, các đại biểu đặt ra vấn đề quy phạm pháp luật là “quy tắc” hay “quy tắc xử sự”? Có đại biểu cho rằng quy phạm pháp luật phải là quy tắc xử sự song có ý kiến cho rằng quy phạm pháp luật chỉ là quy tắc, còn những quy tắc điều chỉnh hành vi mới chia ra các bộ phận (cơ cấu của quy tắc), cũng có ý kiến cho rằng pháp luật là để điều chỉnh hành vi của con người nên định nghĩa quy phạm pháp luật là quy tắc hay quy tắc xử sự cũng không có sự khác biệt.  Về quan niệm truyền thống cơ cấu của quy phạm pháp luật bao gồm ba bộ phận: giả định – quy định – chế tài theo nhiều đại biểu cần xem xét lại. Ví dụ: trong quy phạm pháp luật hành chính có quy phạm đặc thù chỉ có một bộ phận là “quy định”; quy phạm pháp luật quốc tế rất ít khi có bộ phận “chế tài”… Tuy nhiên, cũng có đại biểu đưa ra ý kiến: Đã là quy tắc xử sự thì phải đủ 3 bộ phận, còn bộ phận nào, “gửi” ở đâu chỉ là yếu tố kĩ thuật.

Có thể thấy mặc dù là chủ đề không mới song vấn đề “quy phạm pháp luật” vẫn luôn là vấn đề gây tranh luận của các nhà nghiên cứu, nhà làm luật cũng như người làm công tác thực tiễn. Vấn đề quy phạm pháp luật không chỉ liên quan đến bản thân quy phạm pháp luật mà liên quan đến nhiều vấn đề khác của pháp luật, đến mối quan hệ giữa pháp luật, Nhà nước và xã hội. Đưa ra được cách hiểu thống nhất về quy phạm pháp luật, cơ cấu quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật là một trong những điều kiện cơ bản trong xây dựng và thực hiện pháp luật. Tại Hội thảo, bên cạnh những vấn đề lý luận, các đại biểu cũng được nghe nhiều chia sẻ của những người làm công tác thực tiễn về những vướng mắc, bất cập trong việc xác định, vận dụng quy phạm pháp luật. 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Chu Mạnh Hùng đánh giá: Hội thảo đã được tổ chức hết sức thành công với sự tham gia thảo luận sôi nổi của các đại biểu. Những kết quả thu được từ Hội thảo sẽ là nguồn tài liệu hữu ích cho giảng dạy, nghiên cứu, công tác rà soát sửa đổi giáo trình của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng như các cơ sở đào tạo khác./.

                                                                        Quỳnh Hoa