Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn là các cán bộ, công chức hiện đang công tác tại UBND các cấp, cơ quan công an, tư pháp trực tiếp thực hiện các công việc liên quan đến các quy định pháp luật về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính Đưa vào trường giáo dưỡng và Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc trong phạm vi 07 tỉnh, bao gồm: Quảng Trị, Đà Nẵng, Phú Yên, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Sóc Trăng với 72 quận/huyện/thị xã thuộc phạm vi địa bàn các tỉnh nói trên.
Tại Hội nghị, các đồng chí giảng viên là lãnh đạo các đơn vị nói trên đã trực tiếp giới thiệu nội dung các chuyên đề: (1) Khái quát về Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và về các biện pháp xử lý hành chính; (2) Các biện pháp xử lý hành chính Đưa vào trường giáo dưỡng và Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và (3) Những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành các biện pháp xử lý hành chính Đưa vào trường giáo dưỡng, Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và các giải pháp tháo gỡ.
Các nội dung tập huấn là những kiến thức pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, thông tin cần thiết nhằm nâng cao nhận thức, giúp học viên tham gia tập huấn nắm bắt và lĩnh hội được các kiến thức chuyên môn, các kỹ năng chuyên sâu trong thực thi áp dụng pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính Đưa vào trường giáo dưỡng và Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Đồng thời, thông qua nội dung tập huấn các học viên cũng được cung cấp bổ sung thêm nhiều thông tin hữu ích, thiết thực trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc thường gặp phát sinh trong thực tiễn áp dụng pháp luật để học viên hiểu rõ hơn, nâng cao kỹ năng xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính được tập huấn.
Trao đổi tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu tham dự Hội nghị đều cho rằng, các quy định pháp luật hiện hành quy định trong Luật XLVPHC và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này có nhiều sửa đổi, bổ sung, nhiều điểm mới so với quy định tại Pháp lệnh XLVPHC 2002 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Pháp lệnh XLVPHC trước đây. Chính vì thế, việc triển khai thực hiện trong thực tiễn đang có nhiều khó khăn, vướng mắc. Do vậy, để việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính ngày một hiệu quả và để trang bị cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác về xử lý vi phạm hành chính những kiến thức, kỹ năng cơ bản về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, Cục QLXLVPHC & TDTHPL cần tiếp tục chủ trì, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo tinh thần của Luật XLVPHC mới và các văn bản quy định chi tiết thi hành, bởi hiện nay việc triển khai thực hiện trong thực tiễn các biện pháp xử lý hành chính nói chung tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đang gặp nhiều lung túng, nhiều khó khăn vướng mắc cần phải được khẩn trương tháo gỡ, xử lý kịp thời.
Nhiều câu hỏi của các đại biểu về nội dung các quy định pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính Đưa vào trường giáo dưỡng, Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đã được các đại biểu thẳng thắn nêu tại Hội nghị, một số tình huống phức tạp, những vấn đề vướng mắc, khó khăn mang tính đặc thù của các địa phương phát sinh trong quá trình áp dụng các biện pháp xử lý hành chính cũng được trao đổi trực tiếp với các giảng viên và các học viên khác tham dự Hội nghị trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị, khách quan. Hội nghị tập huấn chuyên sâu về biện pháp xử lý hành chính Đưa vào trường giáo dưỡng, Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc thật sự trở thành diễn đàn để các đại biểu trao đổi, thảo luận nhằm hướng đến mục tiêu để việc áp dụng các quy định pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính ngày càng chính xác, hiệu quả hơn, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân, bảo đảm an ninh, TTATXH, góp phần triển khai Luật XLVPHC thống nhất, đồng bộ, khả thi và thật sự phát huy hiệu lực trong đời sống xã hội, từng bước nâng cao vai trò của quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính hiện nay ở nước ta./.
Cục QLXLVPHC & TDTHPL