Hội thảo về một số nội dung của dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi

13/05/2015
Hội thảo về một số nội dung của dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi
Ngày 12/05/2015, Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên đã phối hợp với Tạp chí Dân chủ và pháp luật tổ chức Hội thảo về một số nội dung của Bộ luật dân sự sửa đổi. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, nhà quản lý  đến từ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và giảng viên của các cơ sở đào tạo pháp luật trên địa bàn. TS. Nguyễn Đỗ Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên và TS. Dương Văn Hậu, Phó Tổng biên tập tạp chí dân chủ và pháp luật đã chủ trì Hội thảo.

Hội thảo đánh giá dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi đã được xây dựng công phu và khoa học, cơ bản cụ thể hóa các quy định về quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự trong Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt, các đại biểu đánh giá cao một số điểm sửa đổi, bổ sung của dự thảo lần này như: việc quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, về điều chỉnh hợp đồng khi điều kiện, hoàn cảnh thay đổi, lãi suất vay trong hợp đồng tài sản…

Bên cạnh đó, các đại biểu còn tập trung thảo luận về một số vấn đề trọng tâm và còn có nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo như: các quy định liên quan đến quyền sở hữu và các vật quyền khác, vấn đề xác định lại giới tính và quyền chuyển giới, quy định về đại diện và phạm vi đại diện, các phương thức bảo vệ quyền nhân thân và một số nội dung trong phần nghĩa vụ hợp đồng.

Về vấn đề đại diện và phạm vi đại diện trong dự thảo BLDS, Ths. Phan Hoàng Ngọc cho rằng: Các cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác có đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền tham gia, xác lập và thực hiện giao dịch dân sự là một trong các phương thức góp phần hỗ trợ, bảo đảm an toàn pháp lý cho các cá nhân, pháp nhân và các tổ chức khác. Do đó, dự thảo BLDS cần có thêm một số điều chỉnh theo hướng mở, thông qua các quy định khẳng định nguyên tắc quan trọng hàng đầu về đại diện là: Thứ nhất, cho phép bản thân các chủ thể quan hệ dân sự được tự chủ, tự quyết định ai là đại diện của mình, phạm vi đại diện và nghĩa vụ thực hiện đại diện. Thứ hai, cơ sở để xác định đại diện có 02 phương thức chủ yếu là ủy quyền, điều lệ của pháp nhân. Thứ ba, dự thảo chỉ tập trung xây dựng quy tắc pháp luật nhằm dự kiến, áp dụng trong trường hợp các bên không có đầy đủ thỏa thuận hoặc văn bản nội bộ và việc ủy quyền không rõ, có tranh chấp về phạm vi ủy quyền.

Ths. Lê Đăng Khoa, Đại học Kiểm sát Hà Nội góp ý sửa tên phần thứ hai “Quyền sở hữu và các vật quyền khác” thành “Vật quyền”. Về khoản 1 Điều 182: “…trường hợp hợp đồng và luật cùng quy định nhưng khác nhau về thời điểm xác lập quyền sở hữu, vật quyền khác thì áp dụng theo quy định của luật…” Ths. Lê Đăng Khoa cho rằng quy định như vậy không cần thiết và có góp ý: thời điểm xác lập mỗi vật quyền khác nhau thì nên được quy định kèm với quy định riêng của từng vật quyền đó mà không để quy định ở phần chung này…

Trong chương trình Hội thảo, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận, đưa ra ý kiến góp ý cho các quy định của dự thảo về các quyền nhân thân như: quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền xác định giới tính và quyền chuyển giới đồng thời đề cập đến các phương thức bảo vệ quyền nhân thân hiện nay.

Các vấn đề khác của dự thảo cũng nhận được nhiều ý kiến phân tích, đóng góp của đại biểu. Hội thảo đã trở thành diễn đàn để các nhà khoa học và đội ngũ giảng viên trao đổi thông tin, quan điểm liên quan đến pháp luật dân sự và đóng góp ý kiến góp phần hoàn thiện nội dung của dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi /.