Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp và bà Hoàng Thúy Duyên, Giám đốc Sở Tư pháp Lạng Sơn đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có hơn 120 đại biểu đại diện tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương, đại diện Sở Tư pháp một số tỉnh phía Bắc và người làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tỉnh Lạng Sơn.
Hội nghị đã được nghe các báo cáo viên trình bày các nội dung: tổng quan về công tác pháp chế và định hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan; sự tham gia của Hội Luật gia trong công tác xây dựng pháp luật; vai trò của pháp chế Bộ, ngành, địa phương trong công tác thực hiện điều ước quốc tế và giải quyết tranh chấp quốc tế; một số vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai công tác pháp chế ở các Bộ, ngành và địa phương; hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; cơ chế huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong công tác pháp chế; vai trò của Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc giúp các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; tình hình triển khai công tác pháp chế tại Lạng Sơn.
Cũng tại Hội nghị, các báo cáo viên của Bộ Tư pháp đã giới thiệu về Thông tư số 01/2015/TT-BTP ngày 15/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức pháp chế; Thông tư số 17/2014/TT-BTP ngày 13/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đây là 02 Thông tư mới do Bộ Tư pháp ban hành, có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người làm công tác pháp chế ở Bộ, ngành và địa phương. Theo hướng dẫn của các Thông tư nêu trên, người làm công tác pháp chế sẽ thuận lợi hơn trong việc thực hiện các nghiệp vụ của mình được một cách bài bản, toàn diện, từ nghiệp vụ lập dự kiến chương trình, soạn thảo, thẩm định, góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, bồi thường nhà nước… và kỹ năng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Hội nghị là dịp để các đại biểu, những người làm công tác pháp chế ở các bộ, ngành, địa phương và ở các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong công tác pháp chế, đồng thời trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, bày tỏ ý kiến và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác pháp chế trong thời gian tới. Những ý kiến đóng góp tại Hội nghị sẽ được tiếp nhận, nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện quy định của pháp luật có liên quan đến công tác pháp chế./.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật