Hội nghị nghiệm thu nhiệm vụ điều tra cơ bản thực trạng thi hành Bộ luật hình sự năm 1999

13/03/2015
Hội nghị nghiệm thu nhiệm vụ điều tra cơ bản thực trạng thi hành Bộ luật hình sự năm 1999
Ngày 12/3/2015, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu nhiệm vụ điều tra cơ bản “Thực trạng thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 nhằm sửa đổi toàn diện Bộ luật hình sự năm 1999 trong thời gian tới” do TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý làm chủ nhiệm.

Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ có sự tham gia của các nhà khoa học có chuyên môn sâu về lĩnh vực nghiên cứu, các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu và cơ quan quản lý nhiệm vụ.

Trước yêu cầu về việc sửa đổi toàn diện Bộ luật hình sự năm 1999 trong thời gian tới thì việc triển khai thực hiện nhiệm vụ điều tra cơ bản về "Thực trạng thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 nhằm sửa đổi toàn diện Bộ luật hình sự năm 1999 trong thời gian tới" là hết sức cần thiết, khẳng định sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với việc xây dựng Luật.

Với mục tiêu cơ bản của nhiệm vụ là khảo sát đánh giá toàn bộ thực trạng thi hành Bộ luật hình sự năm 1999, trên cơ sở đó phát hiện các bất cập, hạn chế và nguyên nhân của những bất cập, hạn chế trong xây dựng, thi hành pháp luật hình sự; Đánh giá tác động của một số chính sách, chủ trương mới nhằm sửa đổi Bộ luật hình sự (Trách nhiệm hình sự của pháp nhân; mở rộng phạm vi chủ thể của tội phạm tham nhũng không chỉ trong khu vực nhà nước mà cả khu vực tư nhân; tội phạm được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành...); Đưa ra các nhu cầu và kiến nghị sửa đổi toàn diện Bộ luật hình sự năm 1999.

Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ đã được Hội đồng đánh giá rất cao với những kết quả cơ bản như sau: Thứ nhất, khái quát và đánh giá được pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành gồm Bộ luật hình sự năm 1999 và các văn bản hướng dẫn thi hành, khái quát được tình hình tội phạm từ khi Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực; Thứ hai, tổng kết được những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999, những thông tin thu được từ đánh giá thực tiễn rất có giá trị tham khảo đối với việc nghiên cứu hoàn thiện Bộ luật hình sự trong thời gian tới; Thứ ba, các đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự trong thời gian tới có giá trị tham khảo cao vì được xây dựng trên cơ sở những đánh giá về tính khoa học, tính phù hợp với thực tiễn của Bộ luật hình sự trong kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ.

Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ đã được Hội đồng đánh giá nghiệm thu xếp loại Xuất sắc.


Nguyễn Thị Lan Viện KHPL