Họp Tổ biên tập mở rộng để lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định hòa giải thương mại

11/03/2015
Họp Tổ biên tập mở rộng để lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định hòa giải thương mại
Sáng ngày 11/03, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai đã chủ trì phiên họp Tổ biên tập mở rộng để lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định hòa giải thương mại.

Thực hiện Chương trình công tác năm 2013 của Chính phủ, Quyết định số 808/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định về Hòa giải thương mại.

   

Theo báo cáo tại cuộc họp, Dự thảo Nghị định gồm 6 Chương 38 Điều cụ thể: Chương I. Những quy định chung gồm 6 Điều (từ Điều 1 đến Điều 6); Chương II. Hòa giải viên thương mại gồm 4 Điều (từ Điều 7 đến Điều 10); Chương III. Tổ chức cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại gồm 8 Điều (từ Điều 11 đến Điều 18); Chương IV. Trình tự, thủ tục hòa giải thương mại gồm 11 Điều (từ Điều 19 đến Điều 29); Chương V. Hoạt động của tổ chức hòa giải nước ngoài tại Việt Nam gồm 4 Điều (từ Điều 30 đến Điều 33); Chương VI. Quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động hòa giải thương mại và điều khoản thi hành gồm 5 điều (từ Điều 34 đến Điều 38).

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định gồm nguyên tắc hoạt động hòa giải thương mại; các hình thức hòa giải, tổ chức cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại, hòa giải viên thương mại; trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên khi tiến hành hòa giải; hoạt động của tổ chức hòa giải nước ngoài tại Việt Nam, quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động hòa giải. Dự thảo Nghị định không điều chỉnh hoạt động hòa giải trong tố tụng tòa án, tố tụng trọng tài và hòa giải cơ sở. Hòa giải viên thương mại, tổ chức cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về hòa giải thương mại và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan là đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Nghị định.

   

Khẳng định việc xây dựng dự thảo Nghị định về hòa giải thương mại là rất cần thiết và cấp bách nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đa dạng hóa cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại, qua đó, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh và ổn định, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh hơn nữa công cuộc hội nhập quốc tế và việc thực hiện cam kết của Việt Nam với tư cách là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) trong lĩnh vực dịch vụ hòa giải, các thành viên Tổ biên tập đã thẳng thắn đóng góp ý kiến cho nội dung dự thảo. Đồng thời đưa ra quan điểm về các vấn đề cần xin ý kiến như quy định về tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại; giá trị pháp lý của thỏa thuận hòa giải thành; hoạt động của Tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài.