Báo cáo kết quả công tác, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm Phạm Tuấn Ngọc cho biết, năm 2014, Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra. Các Trung tâm Đăng ký đã tiếp nhận giải quyết 249.424 đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng và thông báo kê biên tài sản thi hành án, tăng 53% so với năm 2013. Trong đó, số đăng ký qua phương thức trực tuyến là 109.257 đơn, chiếm tỷ lệ 44% trên tổng số các phương thức đăng ký. Số lượng tra cứu thông tin miễn phí trên hệ thống đăng ký trực tuyến đạt 395.931 lượt, tăng 60% so với năm 2013. Việc thu phí lệ phí cũng đạt mức tăng trưởng cao, vượt mức dự toán thu được giao, tính đến hết ngày 31/12/2014 Cục đã thu 936.275.000 đồng phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên; các Trung tâm Đăng ký đã thu 17,215 tỷ đồng phí, lệ phí đăng ký, cung cấp thông tin (đặt 155% dự toán thu được giao). Sau 3 năm vận hành, Hệ thống đăng ký trực tuyến đã thực sự là một điểm sáng về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tính khách quan, minh bạch của dịch vụ trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Cục vẫn còn gặp phải một số tồn tại hạn chế như việc đề xuất và tiến độ xây dựng văn bản, đề án còn chưa sát, có văn bản chậm ban hành, có căn bản sau khi được ban hành vẫn chưa giải quyết hết được các vướng mắc phát sinh. Công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật chưa được Cục triển khai đồng bộ, mới chủ yếu kiểm tra công tác chuyên môn, nghiệp vụ, chưa quan tâm đến công tác hậu kiểm. Do đó, có nơi chưa thực hiện nghiêm túc kịp thời trong việc chấp hành quy định về miễn lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm cho đối tượng là hộ gia đình, cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh để phát triển nông nghiệp, nông thôn; công tác đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng phương pháp trực tuyến còn mức thấp, chỉ 44%.
Theo Phó Cục trưởng Phạm Tuấn Ngọc, năm 2015, Cục tập sẽ trung nghiên cứu hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm phù hợp với yêu cầu của giai đoạn mới; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ về đăng ký giao dịch bảo đảm; tăng cường kiểm tra và theo dõi trong thi hành pháp luật tại địa phương với trọng tâm là việc chấp hành chính sách miễn phí đăng ký giao dịch bảo đảm và thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch với tổ chức, cơ quan hữu quan.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm đã đạt được. Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, Thứ trưởng nhấn mạnh Cục vẫn thiếu định hướng, chiến lược, mục tiêu phát triển; ít các giải pháp hiệu quả thúc đẩy công tác đăng ký giao dịch bảo đảm; cán bộ công chức viên chức, người lao động còn chưa xây dựng được đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp; việc ứng dụng thông tin chưa có sự đổi mới. Năm 2015, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị, Cục cần nhận thức đúng vị trí vai trò của Cục, xây dựng định hướng chiến lược, mục tiêu phát triển rõ ràng; đặt người dân, doanh nghiệp là trung tâm trong mọi hoạt động; quan tâm, tập trung đến xây dựng thể chế; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; kiện toàn cán bộ các trung tâm; đẩy nhanh việc ứng dụng thông tin; phối hợp tốt hơn với các đơn vị trong và ngoài Bộ.
Vy Anh