Hội nghị tổng kết công tác pháp luật quốc tế năm 2014

23/01/2015
Hội nghị tổng kết công tác pháp luật quốc tế năm 2014
Chiều ngày 23/01, Vụ Pháp luật quốc tế đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 với sự tham dự của đại diện các đơn vị trong và ngoài Bộ. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Theo dự thảo báo cáo tổng kết công tác pháp luật quốc tế, Phó Vụ trưởng Nguyễn Đức Kiên cho biết, trên cơ sở Kế hoạch công tác năm 2014 đã được phê duyệt và các chức năng, nhiệm vụ mới được bổ sung theo sự phân công của Lãnh đạo Bộ, năm 2014 Vụ Pháp luật quốc tế hoàn thành đạt 97,6% trên tổng nhiệm vụ (kể cả nhiệm vụ được giao bổ sung ngoài Kế hoạch), 2,4% công việc phải kéo dài sang tháng 01/2015, vì đây là nhiệm vụ quan trọng, cần được hoàn thiện thêm trước khi trình cấp có thẩm quyền. 

Công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế là nhiệm vụ đặc thù và là công việc quan trọng của Vụ Pháp luật quốc tế. Từ ngày 01/01/2014 đến ngày 31/12/2014, Vụ Pháp luật quốc tế đã chủ trì thẩm định 133 điều ước quốc tế, góp ý 484 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế (tăng 4,7% văn bản thẩm định và 13% văn bản góp ý so với năm 2013). Có sự đổi mới mạnh mẽ từ thể chế đến chất lượng ý kiến pháp lý (YKPL) trong công tác cấp YKPL (hơn 69 YKPL đã được cấp). Vụ đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về cấp YKPL. Nghị định được ban hành sẽ là VBQPPL đầu tiên điều chỉnh về trình tự, thủ tục, điều kiện cấp YKPL, là công cụ pháp lý hữu hiệu để công tác cấp YKPL của Bộ Tư pháp được thực hiện một cách bài bản và đi vào chiều sâu. Sự tham gia của Vụ Pháp luật quốc tế trong năm qua đã góp phần đáng kể vào việc bảo đảm yếu tố pháp lý của các giao dịch, tạo điều kiện cho các giao dịch được tiến hành hợp pháp và kịp thời, giảm thiểu các rủi ro về mặt pháp lý, bảo đảm tối đa các quyền và lợi ích của Việt Nam, nâng cao vị thế của Bộ Tư pháp đối với các cơ quan trong nước cũng như với các đối tác nước ngoài. Công tác giải quyết tranh chấp quốc tế đã có những thành công vượt bậc.

   

Vụ Pháp luật quốc tế đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ thực hiện nhiệm vụ đại diện pháp lý cho Chính phủ và liên tiếp giải quyết thành công hai vụ kiện đầu tư quốc tế tại Hội đồng trọng tài quốc tế đã minh chứng cho sự trưởng thành của đội ngũ chuyên gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế của Bộ Tư pháp (nói chung) và Vụ Pháp luật quốc tế (nói riêng), khẳng định Bộ Tư pháp đã làm tốt vai trò đại diện pháp lý cho Chính phủ trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Trong bối cảnh quốc tế ngày càng quan tâm nhiều hơn tới công tác nhân quyền, Vụ Pháp luật quốc tế đã chủ động, tích cực thực hiện công tác nhân quyền thuộc phạm vi, trách nhiệm của Bộ Tư pháp, qua đó bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Công tác công pháp quốc tế và nhân quyền của Vụ Pháp luật quốc tế trong năm 2014 được thực hiện một cách chủ động và toàn diện hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đầu mối về công tác nhân quyền trong Bộ Tư pháp.

Bám sát những nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, công tác tư pháp quốc tế và tương trợ tư pháp đã có nhiều khởi sắc. Những hoạt động tích cực, chủ động của Vụ thực hiện vai trò Cơ quan quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế đã được các nước thành viên đánh giá cao, Việt Nam được xem là một nhân tố tích cực trong hợp tác giữa các nước ASEAN và Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Kết quả tổng kết 6 năm thi hành Luật Tương trợ tư pháp và tổng kết 20 năm thi hành Công ước Niu-ước năm 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài đã cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn toàn diện để các Bộ, ngành đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài phục vụ cải cách pháp luật, tư pháp và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đồng thời, sự chủ động và tích cực của Vụ trong việc giải quyết những bất cập trong công tác công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài trong năm qua được phía đối tác nước ngoài đánh giá cao, qua đó góp phần khẳng định và nâng cao vai trò của Bộ Tư pháp trong thực thi Công ước Niu-ước năm 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài.

   

Trong năm 2015, Vụ đề ra các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm sau đây: Tiếp tục nghiên cứu đề xuất hoàn thiện thể chế, đặc biệt tập trung nghiên cứu các quy định về tư pháp quốc tế; gia nhập các thiết chế đa phương về tư pháp quốc tế; chủ động tham gia soạn thảo, hoàn thiện Phần V Bộ luật Dân sự sửa đổi (BLDS), Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự; chuẩn bị tốt cho việc xây dựng Luật về Tư pháp quốc tế bên cạnh việc tham gia tích cực vào việc sửa đổi Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005; Chuẩn bị các điều kiện gia nhập và thực thi Công ước năm 1965 của Hội nghị La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại; Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp và xây dựng cơ chế theo dõi, bảo đảm hiệu quả tương trợ tư pháp trên cả 4 lĩnh vực; thực hiện hiệu quả hơn công tác uỷ thác tư pháp về dân sự; Tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao về giải quyết tranh chấp quốc tế, đặc biệt là tranh chấp đầu tư quốc tế; hoàn thiện thể chế, tổ chức và nhân lực cho công tác này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Triển khai thi hành Nghị định của Chính phủ về cấp ý kiến pháp lý sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành; Góp phần chuẩn bị tốt các điều kiện về pháp luật để sẵn sàng thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Việt Nam là thành viên của Hiệp định này; Nâng cao vai trò của Bộ Tư pháp trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015; Tiếp tục góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật về quyền con người để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Thực hiện tốt công tác đầu mối của Công ước quốc tế về quyền dân sự; thực hiện các khuyến nghị theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát Chu kỳ 2 của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc; và góp phần bảo vệ chủ quyền, lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông; Thực hiện nhiệm vụ đầu mối thực hiện các quy định về thu hồi tài sản tham nhũng của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Đánh giá cao và điểm lại những kết quả lớn mà Vụ Pháp luật quốc tế gặt hái được trong năm qua, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định công tác pháp luật quốc tế đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao vị thế của Bộ, của ngành Tư pháp trên trường quốc tế. Một số định hướng lớn được Thứ trưởng chỉ đạo tại Hội nghị tập trung vào: Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế (xây dựng Luật Điều ước quốc tế thực sự có giá trị đạt được yêu cầu; triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Luật Tương trợ tư pháp sau khi nhận được chỉ đạo; tham gia sửa đổi Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự; kịp thời ban hành Nghị định cấp ý kiến pháp lý); Nghiên cứu xây dựng Trung tâm tư pháp quốc tế của đất nước; Kịp thời quy hoạch cử cán bộ đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ; Tổ chức thực hiện Công ước La hay về tống đạt giấy tờ; Công tác tổ chức cán bộ cần tập trung đào tạo rèn luyện, nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của mỗi cá nhân; Cải cách đổi mới phong cách làm việc, mạnh dạn đề xuất những ý kiến hoàn thiện pháp luật có yếu tố nước ngoài; Tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt là trong công tác báo cáo thống kê, tương trợ tư pháp...

   
Cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bạch Quốc An ghi nhận những ý kiến quý báu của Thứ trưởng và tin tưởng rằng với sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức thuộc Vụ, năm 2015, Vụ Pháp luật quốc tế sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành tựu chung của Bộ, của Ngành.