Theo báo cáo của Cục Bổ trợ tư pháp, trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp, trong năm 2014, tập thể lãnh đạo Cục và toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị đã nỗ lực triển khai và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong các lĩnh vực quản lý, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chung của ngành Tư pháp năm 2014. Cụ thể, trong xây dựng văn bản, đề án, Cục đã tập trung xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ký ban hành 10 văn bản, đang xây dựng và trình cấp có thẩm quyền 14 văn bản. Cùng với chủ trì xây dựng các thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, Cục đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức tham gia thẩm định rất nhiều văn bản có liên quan đến lĩnh vực bổ trợ tư pháp và đóng góp ý kiến xây dựng trên 150 văn bản, đề án, trong đó có nhiều văn bản, đề án quan trọng, có nội dung ảnh hưởng mật thiết tới người dân, doanh nghiệp.
Là đơn vị quản lý nhà nước trên rất nhiều lĩnh vực, trong bối cảnh hoạt động bổ trợ tư pháp đang được xã hội hóa rất mạnh, trong thời gian qua khối lượng văn bản, đề án thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp được ban hành rất nhiều. Vì vậy, Cục tập trung cao độ bảo đảm triển khai toàn diện, đồng bộ hệ thống các văn bản, đề án này. Chẳng hạn, trong lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật, đã triển khai Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, tham mưu hướng dẫn địa phương tổng kết 6 năm thi hành Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật.
Trong lĩnh vực công chứng, Cục đã kịp thời tham mưu ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Công chứng (sửa đổi), phối hợp trình cấp có thẩm quyền ban hành 1 nghị định và 4 thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Trong lĩnh vực giám định tư pháp, việc triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp có bước chuyển biến đáng kể. Trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản và trọng tài thương mại, Cục tập trung theo dõi, chỉ đạo việc triển khai Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Trọng tài thương mại…
Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được thực hiện đồng bộ, hiệu quả trên các lĩnh vực, đồng thời có quan tâm tới các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Đáng chú ý, Cục đã giải quyết trên 120 kiến nghị của địa phương và hướng dẫn nghiệp vụ địa phương, 41 thông tin báo chí, phối hợp với Thanh tra Bộ giải quyết 64 khiếu nại, tố cáo. Đối với hoạt động cấp phép, đơn vị đã cấp trên 1.100 Chứng chỉ hành nghề luật sư, 32 Giấy phép hành nghề tại Việt Nam cho luật sư nước ngoài tại Việt Nam, bổ nhiệm gần 700 công chứng viên, cấp 206 Chứng chỉ hành nghề đấu giá viên, đề nghị cấp Giấy phép thành lập mới cho 4 Trung tâm trọng tài thương mại…
Bên cạnh những kết quả nêu trên, trong công tác bổ trợ tư pháp năm 2014 cũng còn tồn tại một số hạn chế như công tác triển khai các văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, một số Sở Tư pháp và Đoàn luật sư tại một số địa phương còn chưa chủ động, quyết liệt và đồng bộ; chưa tổ chức được Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ hai như kế hoạch đã đề ra. Công tác chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp xã, huyện sang tổ chức hành nghề công chứng thì còn gặp khó khăn; còn có ý kiến khác nhau giữa các Bộ, ngành về thẩm quyền chứng nhận, xác nhận các giao dịch trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao. Tình hình triển khai thi hành, nhất là việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật ở một số Bộ, ngành dù đã cố gắng nhưng còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Trong năm 2015, Cục xác định các nhiệm vụ công tác bao gồm xây dựng và trình Quốc hội Dự án Luật đấu giá tài sản; triển khai thi hành có hiệu quả Luật Công chứng (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành; tiếp tục tìm kiếm các giải pháp đột phá trong triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh việc thực hiện Đề án 258; tiếp tục triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành; tiếp tục triển khai thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn; tiếp tục triển khai thi hành Luật Trọng tài thương mại, Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Trọng tài thương mại; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phá sản, nhất là hoạt động của Quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản... Các đại biểu tham dự cũng đề nghị nhiều nhiệm vụ khác như hỗ trợ Liên đoàn Luật sư tổ chức thành công Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ hai, ban hành Quy chế phối hợp giữa pháp y ngành Công an và ngành Y tế, tiếp tục xem xét trình Đề án liên thông thủ tục hành chính về công chứng, nghiên cứu đề xuất về quyền trưng cầu giám định của bị can, bị cáo…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền nhiệt liệt chúc mừng những thành tích quan trọng của Cục trong năm qua, được ghi nhận bằng việc vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong năm 2015, Thứ trưởng đề nghị Cục bám sát những chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2015, nhất là tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chủ trương này. Theo Thứ trưởng, các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là hoàn thiện thể chế về các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đặc biệt là Luật Đấu giá tài sản; tổ chức thi hành tốt các văn bản pháp luật về công chứng, luật sư, giám định tư pháp, trọng tài thương mại; nghiên cứu đề xuất các giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước; công bố kịp thời các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp...
Cẩm Vân
Anh Cục CNTT