Hội thảo chuyên đề về “Bảo đảm sự tham gia của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong xây dựng và thi hành pháp luật”

30/01/2015
Hội thảo chuyên đề về “Bảo đảm sự tham gia của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong xây dựng và thi hành pháp luật”
Trong hai ngày 29 và 30/01/2015, tại thành phố Hải Phòng, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam (NLD) tổ chức Hội thảo chuyên đề về “Bảo đảm sự tham gia của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong xây dựng và thi hành pháp luật” nhằm phục vụ cho việc xây dựng Luật Ban hành văn bản pháp luật. Ông Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp và ông Isabeau Vilandre, Giám đốc Dự án phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, một số thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật ban hành văn bản pháp luật. Bên cạnh đó còn có đại diện Lãnh đạo một số tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đại diện cán bộ pháp chế của một số Bộ, ngành, đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cùng đại diện lãnh đạo một số tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, Sở Tư pháp và tổ chức pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trần Văn Đạt cho rằng, thực hiện nhiệm vụ được giao là cơ quan giúp Chính phủ, Quốc hội xây dựng Dự án Luật ban hành văn bản pháp luật, Dự án Luật này đang ở giai đoạn chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội. Với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam (NLD) tổ chức Hội thảo này nhằm tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu liên quan đến việc đảm bảo sự tham gia của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc xây dựng và thi hành pháp luật, để tiếp tục chỉnh lý và hoàn thiện Dự án Luật ban hành văn bản  pháp luật, sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII (tháng 5/2015).

Tại Hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng, việc tham gia của nhân dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong xây dựng và thi hành pháp luật thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của các dự án, dự thảo văn bản pháp luật và tổ chức thực thi sau khi văn bản đó được ban hành như: tham gia vào việc dự kiến chương trình xây dựng pháp luật; tham gia vào góp ý dự án, dự thảo chính sách, văn bản  pháp luật; tham gia giám sát, phản biện trong quá trình xây dựng pháp luật… Song bên cạnh đó hoạt động này vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế như: chất lượng tham gia ý kiến đóng góp vào quá trình xây dựng pháp luật còn hạn chế, chưa ngang tầm với yêu cầu đặt ra; có nơi, có lúc còn hình thức, chuyên môn thuần túy, chưa có tính bao quát, gắn kết với tình hình chung  phát triển kinh tế - xã hội; nhiều trường hợp ý kiến tham gia không kịp thời so với yêu cầu. Mặt khác, cũng chưa có cơ chế bảo đảm về tài chính cũng như biện pháp tổ chức thực hiện việc tham gia của nhân dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp vào quá trình soạn thảo văn bản pháp luật; hình thức lấy ý kiến tham gia của nhân dân, doanh nghiệp đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn chưa phù hợp với từng đối tượng; nội dung chất lượng góp ý kiến còn chưa cao. Đồng thời, về phía các cơ quan có trách nhiệm cũng chưa nghiêm túc tiếp thu, giải trình những ý kiến đóng góp, phản biện của các tổ chức xã hội có liên quan…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có nguyền nhân xuất phát từ việc hạn chế về kinh phí, thời gian trong việc khảo sát thực tế trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; việc lấy ý kiến chưa có bản báo cáo tóm tắt dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và bản tập trung những vấn đề chính xin ý kiên gửi cho đối tượng đóng góp ý kiến nên gây khó khăn cho các đối tượng được xin ý kiến; chưa có cơ chế thích hợp để khuyến khích, thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, luật sư và người dân trong việc đóng góp ý kiến...

Trên cơ sở chỉ ra những bất cập trong việc tham gia đóng góp ý kiến của người dân và xã hôi trong quá trình lập pháp, các đại biểu đã đưa ra các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này như: cơ quan chủ trì soạn thảo phải thực sự nghiêm túc trong việc huy động, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của nhân dân, phương pháp, hình thức lấy ý kiến phải phù hợp với từng nhóm đối tượng, đề xuất bổ sung quy định vào Dự án Luật ban hành văn bản pháp luật về các tài liệu gửi lấy ý kiến góp ý trong đó bao gồm bản thuyết trình, bản tóm tắt nội dung, bản nêu các vấn đề lớn cần xin ý kiến; cần phải quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong vjiệc gửi văn bản giải trình việc tiếp thu ý kiến góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cho người đóng góp ý kiến...

                               Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật