Hội thảo khoa học về cơ chế quản lý khoa học theo Luật Khoa học công nghệ năm 2013

09/01/2015
Hội thảo khoa học về cơ chế quản lý khoa học theo Luật Khoa học công nghệ năm 2013
Chiều ngày 08/01, TS Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý đã chủ trì Hội thảo khoa học về cơ chế quản lý khoa học theo Luật Khoa học và công nghệ năm 2013. Tham gia Hội thảo có đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ, một số chuyên gia và các nhà nghiên cứu khoa học.
Tại Hội thảo, TS Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, khẳng định vai trò quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đã tập trung nghiên cứu lý luận, luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc đổi mới chính sách pháp luật, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. TS Nguyễn Văn Hiển mong rằng, Hội thảo về cơ chế quản lý khoa học sẽ góp phần đưa chất lượng công tác nghiên cứu khoa học công nghệ lên tầm cao mới, góp phần thiết thực vào sự phát triển chung của Bộ, ngành.

“Nới lỏng” về quyền tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ

Trước khi Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 được ban hành, hầu như các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học của nước ta đều hoạt động theo một cơ chế chung từ nhiều năm nay với nhiều nút thắt về cơ chế tài chính, chế độ đãi ngộ và phương thức đầu tư cũ, thiếu khoa học, cơ chế quản lý thiết chặt đầu vào nhưng lại buông lỏng đầu ra.

   

Điểm lại những điểm mới quan trọng trong Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, TS. Nguyễn Văn Hiển cho biết “Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã nới lỏng quy định về tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ trong việc nghiên cứu khoa học, đồng thời thắt chặt đầu ra, điều này cũng tạo ra thách thức lớn cho cơ quan quản lý của Bộ, và cơ quan cấp cơ sở. Luật trao quyền đánh giá cho cấp cơ sở, do vậy, nếu cấp cơ sở dễ dãi thì rủi ro sẽ rất lớn”. 

 “Cơ chế khoán” biện pháp “cởi trói cho nghiên cứu khoa học”

Bà Chu Thị Hoa, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho biết, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 có những thay đổi cơ bản trong đó đáng chú ý nhất là việc giao kinh phí sẽ áp dụng cơ chế khoán, cơ chế nhà nước đặt hàng và cơ chế Quỹ để triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Phương thức quản lý Quỹ và khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, thậm chí có thể sử dụng ngân sách để mua sản phẩm khoa học công nghệ của nhà khoa học, không chỉ nâng cao trách nhiệm của nhà khoa học chân chính mà còn khắc phục được nhiều kẽ hở cho những ai đội lốt nghiên cứu khoa học để trục lợi. Nếu áp dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách thì có thể khắc phục được tình trạng chậm cấp kinh phí cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phải “chạy” chứng từ khi thanh quyết toán. Vì theo cơ chế tài chính chi theo dự toán, các nhà khoa học muốn rút tiền thì phải nộp đầy đủ chứng từ… cùng với quy trình xét duyệt như hiện nay thì dù có giải ngân thì thời điểm giao kinh phí cũng cách thời điểm đề xuất nhiệm vụ hàng năm. Chưa kể, ngành khoa học và công nghệ còn phải áp dụng thêm quy trình thẩm định lại một lần nữa để được phê duyệt khi tiến hành giải ngân, khiến cho việc cấp kinh phí nghiên cứu đã chậm càng thêm chậm.

 

   

Về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Hiển vẫn còn băn khoăn, “cơ chế khoán thường dành cho những nghiên cứu khoa học có sản phẩm đầu ra rõ ràng, (như lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên) nhưng đối với những đề tài khoa học đầu ra không rõ (nghiên cứu khoa học xã hội) thì tiêu chí đánh giá như thế nào để áp dụng được cơ chế khoán?”.

Cơ chế đãi ngộ nhà nghiên cứu, khoa học

Tại Hội thảo, TS Nguyễn Văn Cương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý nhấn mạnh, công tác nghiên cứu khoa học là một loại công việc đặc thù, người tham gia công tác này là tham gia vào “sản xuất tri thức khoa học”. Hiện nay, chính sách pháp luật cũng mở ra những ưu đãi nhất định cho giới nghiên cứu khoa học như: xét tuyển dụng, bổ nhiệm đặc cách, khuyến khích nhà khoa học trẻ có tài, có thành tích xứng đáng có thể được bổ nhiệm lên vị trí cao mà không cần đủ thâm niên như trước đây, bỏ qua rào cản lâu nay là “sống lâu lên lão làng”; kéo dài tuổi nghỉ hưu để sử dụng chất xám của người làm công tác nghiên cứu, khoa học; quy định về trọng dụng nhân tài; quy định về nâng lương vượt bậc đối với cá nhân có thành tích trong hoạt động khoa học công nghệ…