Góp ý dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Doanh nghiệp ngại nhất là các văn bản pháp luật chồng chéo "đá" nhau!

31/07/2007
Ngày 26-7-2007, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị định tại Cần Thơ, nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết đã chứng tỏ sự ra đời của một văn bản quy phạm pháp luật trong công tác HTPL cho các DN đang là một nhu cầu vô cùng bức thiết.

Phải quy định rõ quy chế phối hợp và đưa chế tài vào NĐ

Đại diện Sở Tư pháp Cần Thơ cho rằng, Nghị định quy định về quy chế phối hợp giữa các bộ, UBND cấp tỉnh; giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các tổ chức đại diện khác của DN trong công tác HTPL (tại Điều 4) là còn quá chung chung. Cụ thể là quy chế phối hợp trên nguyên tắc nào, trách nhiệm của các cơ quan tham gia phối hợp ra sao? Đặc biệt là trong công tác giải đáp thắc mắc về pháp lý cho DN. Theo Sở Tư pháp, nên chọn việc giải đáp thắc mắc cho DN theo lĩnh vực quản lý nhà nước của từng cơ quan. Tức là các Bộ và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm giải đáp tất cả thắc mắc phát sinh có liên quan đến phạm vi quản lý Nhà nước của ngành hoặc địa phương mình mà không phân biệt thắc mắc đó được quy định trong văn bản nào và do ai ban hành. Xác định rõ vấn đề này thì công tác phối hợp về trách nhiệm giải đáp cho DN sẽ rõ ràng. Nếu quy định việc giải đáp thắc mắc theo thẩm quyền ban hành văn bản thì việc trả lời cho DN sẽ hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay của các DN.

ÔNG NGUYỄN THANH TỊNH,
 PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP LUẬT DÂN SỰ – KINH TẾ, BỘ TƯ PHÁP:

Mong muốn của nhà làm luật khi ban hành NĐ là các quy định được triển khai vào cuộc sống. Có nhiều ý kiến băn khoăn  khi thực hiện sẽ gặp phải trở ngại từ một số cán bộ, công chức hoặc một số cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, phải thấy rằng việc thực hiện pháp luật đã được quy định trong Hiến pháp là trách nhiệm công vụ và nếu ở đâu đó, lúc nào đó còn có những vấn đề thì đó chính là mục tiêu của công cuộc cải cách hành chính. Tôi chỉ muốn nói rằng, NĐ không phải là thuốc trị bách bệnh nhưng có NĐ tức là vấn đề pháp luật cho hoạt động của DN được ưu tiên, chăm lo. Mục tiêu chính của ban hành NĐ vẫn là hướng tới công tác HTPL cho DN.

Cũng đề cập tới vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố cho rằng, giải quyết tốt mối quan hệ phối hợp giữa cấp bộ và cấp tỉnh sẽ làm cho DN đỡ tốn kém thời gian trong một số trường hợp DN hỏi cấp tỉnh, cấp tỉnh lại chuyển lên cấp Bộ. Tổng Thư ký Hiệp hội DN TP Cần Thơ, bà Nguyễn Mỹ Thuận, cho rằng: Không chỉ có sự phối hợp giữa các Bộ và UBND cấp tỉnh mà cần phải quy định trách nhiệm phối hợp và cam kết thực hiện NĐ của các sở, ngành để nâng cao trách nhiệm cho các cán bộ và ngành chuyên môn khi thực hiện trách nhiệm HTPL cho DN để tránh tình trạng khi DN liên hệ cần sự giúp đỡ pháp lý thì lại nhận được sự thờ ơ của một số cơ quan Nhà nước…

Ông Nguyễn Văn Hậu, Thanh tra Điện lực Cần Thơ, nêu thực tế: Thời gian qua, DN sợ nhất khi liên hệ với các cơ quan Nhà nước là tình trạng hứa hẹn, kéo dài thời gian. Vì vậy, NĐ quy định trách nhiệm của các cơ quan Bộ, ngành trong HTPL cho DN nhưng chưa quy định rõ thời hạn các cơ quan này phải trả lời các thắc mắc cho DN. Cần đưa yếu tố thời gian vào NĐ. Nếu quá thời hạn đó, DN có được khiếu nại hay không, hành vi đó của cơ quan Nhà nước có coi là hành vi hành chính hay không, NĐ chưa đề cập đến. Trong công tác giải đáp thắc mắc của DN về pháp lý, vấn đề cần đặt ra là độ tin cậy của các công văn trả lời. Giả sử, một thắc mắc DN đặt ra nhận được câu trả lời sai từ cơ quan Nhà nước mà DN thua lỗ, thậm chí phá sản thì phải tính sao? Nghị định nên đưa chế tài này vào để nâng cao tinh thần trách nhiệm và đảm bảo công tác HTPL được khả thi.

Cần một cơ quan đầu mối trong công tác HTPL cho DN

Đa số các ý kiến đóng góp đều thống nhất phải quy định cụ thể một cơ quan có trách nhiệm đầu mối trong công tác HTPL cho DN. Ông Nguyễn Văn Vinh (HĐND thành phố) đề nghị thẳng là cơ quan đó nên là Sở Tư pháp các tỉnh, thành và Bộ Tư pháp. Việc quy định các cơ quan đầu mối sẽ tạo thuận lợi cho việc HTPL cho DN trong các chương trình như, xây dựng cơ sở dữ liệu luật cho DN, in ấn tài liệu pháp lý cho DN, tập hợp các đóng góp, kiến nghị của DN để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Và cơ quan đầu mối cũng là cơ quan phải chịu trách nhiệm đối với việc triển khai thực hiện công tác HTPL cho DN.

Ông Nguyễn Hữu Đệ, Phó Giám đốc VCCI cho rằng, sau khi có NĐ thì cần phải thành lập một Trung tâm HTPL cho DN, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp, tác quyền… Bởi vì hiện nay, các cơ quan Nhà nước chủ yếu nghiêng về quản lý Nhà nước, công tác trợ giúp pháp lý vẫn còn bỏ ngỏ. Đại diện Công ty Phát triển & Kinh doanh Nhà Cần Thơ thừa nhận, trên thực tế từ trước đến nay DN khi đụng đến một vấn đề pháp lý thì thường ký hợp đồng với các văn phòng hoặc công ty luật để tư vấn. Tuy nhiên, các hợp đồng tư vấn này thường không kéo dài vì tính chất của tư vấn và sự tính toán của DN, mặt khác chi phí cho những lần tư vấn thường tốn kém. Đa số các vụ việc nhỏ DN thường tự làm theo các biểu mẫu và thói quen. Một số DN tính toán dài hơi cũng đã tuyển dụng, đào tạo nhân viên pháp lý, nhưng bản thân họ cũng thường bị bó hẹp trong phạm vi hoạt động kinh doanh của DN nên khi ra ngoài làm ăn với các đối tác rất khó khăn.

Một số ý kiến đóng góp cho NĐ còn nêu lên thực tế, hiện nay nhiều văn bản pháp luật quy định chồng chéo, thậm chí “đá” nhau, DN ngán nhất là tiếp cận với hàng loạt các văn bản mà không thể biết văn bản nào đang sử dụng, văn bản nào đã hết hiệu lực. Đó là chưa nói đến một số văn bản vượt quá tầm hiểu biết và áp dụng của DN. Vì vậy, việc ban hành NĐ là một chủ trương đúng đắn và đáp ứng được nhu cầu của các DN, giúp bảo vệ quyền lợi của DN và của quốc gia. Tuy nhiên, đây cũng là một văn bản mà tính khả thi của các quy định lại trông chờ rất nhiều vào sự vận hành của guồng máy cơ chế hành chính Nhà nước. Vì vậy, làm sao để các cán bộ, công chức và các cơ quan Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật vẫn là vấn đề mà các DN băn khoăn nhiều nhất.

THU HUYỀN PHAN