Trong khuôn khổ hợp tác với dự án JICA - Nhật Bản. Ngày 18/7/2007, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và Văn phòng dự án Jica tổ chức Toạ đàm về Dự thảo 2 Luật Bồi thường nhà nước (BTNN).
Tiếp tục những nội dung của các cuộc tọa đàm tổ chức từ tháng 12 năm 2005 cho đến nay, tại toạ đàm lần này, các đại biểu và chuyên gia tiếp tục trao đổi về những nội dung liên quan đến việc xây dựng luật BTNN của Việt Nam.
Tham gia tọa đàm, đại diện Bộ Tư pháp PGS.TS Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Tổ trưởng tổ biên tập Dự án Luật BTNN chủ trì tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế và các thành viên Tổ biên tập dự án luật BTNN. Về phía dự án Jica, ông Fuminori ITO, Cố vấn trưởng dự án cùng các thành viên trong đoàn.
Đại diện một số cơ quan liên quan: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Toà án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an...
Với tinh thần xuyên suốt trong quá trình xây dựng luật BTNN, khi các cơ quan nhà nước xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thì Nhà nước phải bồi thường. Nên tại toạ đàm lần này, ông Dương Đăng Huệ đã nêu lên những vấn đề cơ bản về dự thảo 2 luật BTNN đã được sửa đổi, bổ sung để các chuyên gia của dự án giải đáp, bình luận và so sánh với thực tiễn của luật bồi thường Nhà nước Nhật Bản, như: tính chất của chế định luật BTNN với quan điểm của các chuyên gia coi đó là luật công hay luật tư; phạm vi điều chỉnh của luật; thiệt hại nào được bồi thường; cơ quan bồi thường thiệt hại... và đặc biệt là vấn đề xác định những hành vi vi phạm và phạm vi được bồi thường thiệt hại.
So với dự thảo 1, dự thảo 2 luật BTNN đã có nhiều điểm với việc đưa ra nhiều phương án lựa chọn thích hợp và mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng của luật (khoản 2 Điều 2 dự thảo luật). Tuy nhiên, điểm thay đổi lớn nhất đó là những quy định về từng trường hợp được bồi thường cụ thể trong các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước đã được thay thế bằng các quy định khái quát về các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước. Sự thay đổi này nhằm mục đích bảo vệ triệt để quyền, lợi ích của những tổ chức, cá nhân bị thiệt hại, vì nếu các nhân, tổ chức bị thiệt hại do hoạt động công quyền, nhưng nếu trường hợp đó lại không nằm trong một trong các trường hợp được bồi thường do luật định, thì họ sẽ không được bồi thường (xem các Điều 10,11,12 dự thảo luật).
Theo ông Dương Đăng Huệ, dự kiến vào quý IV năm 2008, Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ dự án luật BTNN và đến tháng 5 năm 2009, Quốc hội sẽ thông qua dự luật. Từ nay cho tới khi được thông qua là một quãng thời gian còn khá dài để Ban biên tập tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật thông qua những diễn đàn này để luật được ban hành gần hơn với thực tiễn cuộc sống và với giúp đỡ tận tâm của các chuyên gia đến từ Nhật Bản hy vọng đạo luật sẽ sớm được ban hành.
Nguyễn Xuân Công