Hướng tới nền hành chính phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính

18/08/2014
Hướng tới nền hành chính phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính
Vừa qua, bằng Quyết định 1299/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính (TTHC): đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi” trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp để nhân rộng mô hình đăng ký khai sinh “3 trong 1” trên phạm vi toàn quốc, tạo điều kiện cho người dân hưởng nhiều lợi ích từ việc đơn giản hóa TTHC. Mặc dù chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa là Đề án chính thức được thực hiện nhưng Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan rất tự tin sẽ triển khai thành công Đề án này cùng với sự phối hợp của các Bộ, ngành.

Ông Phan chia sẻ: Đề án thực hiện liên thông TTHC liên quan đến trẻ em dưới 6 tuổi là Đề án thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hướng tới nền hành chính phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thực hiện các TTHC. Cụ thể ở đây là cha mẹ của các em nhỏ sẽ dễ dàng hơn khi thực hiện quyền của trẻ em, hay nói cách khác, thông qua Đề án bảo đảm quyền của trẻ em được đăng ký khai sinh, đăng ký hộ khẩu, khám chữa bệnh. Đặc biệt, với mô hình liên thông này, người dân không phải mất nhiều thời gian đi lại, giảm thiểu giấy tờ trùng nhau, tiết kiệm chi phí tuân thủ TTHC; cơ quan quản lý nhà nước thì có số liệu chính xác, nhất là tránh hiện tượng cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế như thời gian gần đây.

Người dân chỉ nộp 1 bộ hồ sơ để làm cả 3 thủ tục

* Việc liên thông các TTHC đã được tiến hành ở một số địa phương nhưng cách thức thực hiện có sự khác nhau. Vậy thưa ông, với quy mô phủ khắp 63 tỉnh, thành tới đây của Đề án thì quy trình liên thông được xây dựng như thế nào để đảm bảo sự thống nhất trong cả nước?

- Nếu người dân chọn thực hiện liên thông các TTHC thì sẽ nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã và tìm hiểu nơi khám chữa bệnh ban đầu cho trẻ em theo thông báo của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Người dân chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, xuất trình các giấy tờ, tạm nộp lệ phí đăng ký thường trú theo quy định tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã nơi có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ em. Riêng bản sao Giấy khai sinh sẽ được cán bộ, công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả bổ sung vào hồ sơ sau khi UBND cấp xã thực hiện xong việc đăng ký khai sinh.

Cán bộ, công chức của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã khi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ các thành phần hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ, đúng quy định thì tiếp nhận hồ sơ; tạm thu lệ phí đăng ký thường trú cho trẻ em và viết giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người dân. Trong giấy hẹn trả kết quả phải ghi rõ yêu cầu của người dân, giấy tờ nộp trong hồ sơ và thời gian trả kết quả. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, người dân sẽ được hướng dẫn ngay để hoàn chỉnh hồ sơ.

Trình tự giải quyết TTHC tại UBND cấp xã (đăng ký khai sinh), giải quyết đăng ký thường trú cho trẻ em dưới 6 tuổi tại cơ quan Công an, giải quyết cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em tại Bảo hiểm xã hội cấp huyện cũng được Đề án quy định rõ. Ngoài ra, người dân có thể lựa chọn nộp hồ sơ làm thủ tục đăng ký khai sinh – cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi hoặc làm riêng từng loại thủ tục.

* Tính hiệu quả của mô hình liên thông các TTHC trên đã được thực tế kiểm nghiệm. Theo ông, liệu có thể dự liệu có khó khăn nào không khi chính thức triển khai nhân rộng mô hình không?

- Đúng vậy, mô hình thực hiện liên thông này là sáng tạo của địa phương. Như chúng ta đã biết, hiện TP.HCM đã triển khai toàn thành phố, còn Long An, Đồng Tháp cùng một số địa phương khác thì mới triển khai cấp huyện nên đòi hỏi phải nhân rộng để mọi người dân đều được hưởng lợi ích từ việc tổ chức mô hình liên thông.

Tôi cho rằng không có gì khó khăn cả bởi thể chế đã thống nhất, khác chăng thay vì người dân phải thực hiện các TTHC thì cán bộ, công chức phải tăng cường trách nhiệm thực thi công vụ để thực hiện cho người dân và Đề án đã nhấn mạnh là các địa phương, đơn vị quan tâm hỗ trợ cho cán bộ, công chức thực hiện liên thông các TTHC. Sự hỗ trợ này tùy thuộc hoàn cảnh, điều kiện của từng địa phương cũng như phụ thuộc khối lượng công việc phải làm.

Chỉ 50% số trẻ sinh ra mỗi năm tham gia liên thông sẽ tiết kiệm số tiền rất lớn

* Có ý kiến cho rằng, để triển khai Đề án thuận lợi nhất thì phải chờ đợi các luật có liên quan như Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, Luật Bảo hiểm y tế. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Đề án sẽ được tổ chức thực hiện ngay vào những tháng cuối cùng của năm 2014. Do đó, để đảm bảo người dân được sớm thụ hưởng kết quả của Đề án, tránh việc phải chờ đợi để xây dựng các luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành, Quyết định 1299 đã yêu cầu cần tập trung vào một số giải pháp để tiến hành cải cách việc tổ chức thực hiện các TTHC liên quan đến trẻ em dưới 6 tuổi. Theo đó, phải thiết lập cơ chế một cửa liên thông thống nhất từ Trung ương đến địa phương để triển khai thực hiện. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, qua thực tiễn thi hành kết hợp với việc nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm từ việc thực hiện mô hình liên thông các TTHC liên quan đến trẻ em tại một số địa phương, Đề án đã chuẩn hóa quy trình thực hiện liên thông các TTHC. Trên cơ sở quy trình thực hiện liên thông các TTHC đã được chuẩn hóa, các Bộ, ngành có liên quan ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện liên thông các TTHC để triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Hơn nữa, phải nghiêm túc thực hiện công bố, công khai TTHC làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện TTHC; công khai thông tin về kết quả giải quyết TTHC liên quan đến trẻ em dưới 6 tuổi, đặc biệt các trường hợp, lý do yêu cầu người dân cung cấp thêm thành phần hồ sơ, kéo dài thời gian thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên thông các TTHC liên quan đến trẻ em dưới 6 tuổi tại địa phương; kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt; chấn chỉnh, có biện pháp xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan, tổ chức không nghiêm túc thực hiện việc công khai, minh bạch TTHC cũng như chậm trễ, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện liên thông các TTHC…

Riêng về tài chính, ngoài nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước bảo đảm, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tại Đề án chủ động tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí khác để triển khai thành công Đề án; đánh giá chính xác mức độ đầu tư cần thiết để tìm kiếm nguồn kinh phí phù hợp, đảm bảo tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả trong quá trình triển khai Đề án.

* Thời gian để triển khai rộng khắp Đề án không còn nhiều thì nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương chắc không ít. Ông có thể cho biết đôi nét về các công việc cần thực hiện tới đây không?

- Nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương được quy định rất rõ ràng trong Quyết định số 1299. Về phần mình, trong tháng 8/2014, Bộ Tư pháp sẽ phải chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện liên thông các TTHC để triển khai thống nhất trong phạm vi toàn quốc, hiện Dự thảo Thông tư này đang được gửi lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để lấy ý kiến nhân dân.

Sau khi Thông tư được ký ban hành, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư và tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện liên thông các TTHC thuộc phạm vi quản lý của ngành Tư pháp, Công an, Y tế, Bảo hiểm xã hội; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan trong kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện liên thông các TTHC, đồng thời chủ trì phối hợp hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện…

Theo tính toán của Bộ Tư pháp cũng như theo thống kê của Tổng cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình, trung bình mỗi năm Việt Nam có 1,7 triệu trẻ em đăng ký khai sinh lần đầu, nếu như chỉ 50% trẻ em tham gia chương trình liên thông 3 thủ tục thì đã giúp tiết kiệm cho người dân số tiền 150 tỷ đồng. Có thể nói, vấn đề quan trọng là quyết tâm thực thi của người đứng đầu các Bộ ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành, sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, sự chỉ đạo của UBND cấp tỉnh để bảo đảm Đề án thành công, thực sự đem lại lợi ích cho người dân trong giao dịch với các cơ quan nhà nước.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

                                            Thục Quyên (thực hiện)