Tọa đàm về dự thảo Đề án đảm bảo các nguồn lực cho việc triển khai, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám định tư pháp của Bộ Tư pháp

14/08/2014
Tọa đàm về dự thảo Đề án đảm bảo các nguồn lực cho việc triển khai, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám định tư pháp của Bộ Tư pháp
Sáng ngày 13/8, tọa đàm về dự thảo Đề án đảm bảo các nguồn lực cho việc triển khai, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám định tư pháp của Bộ Tư pháp đã được tổ chức với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành có liên quan, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến chủ trì tọa đàm.

Trong những năm qua, đặc biệt từ khi có Đề án 258, công tác giám định tư pháp đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục được tăng cường. Theo Quyết định số 1549/QĐ-TTg ngày 16/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ về việc đảm bảo các nguồn lực cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý cũng như trách nhiệm về giám định tư pháp của các Bộ, ngành và địa phương. Trong thời gian qua, việc thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp của Bộ Tư pháp đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác thể chế, chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp, phụ cấp trách nhiệm công việc giám định tư pháp…

 

 

Theo những nội dung cơ bản của dự thảo, mục tiêu của Đề án nhằm bảo đảm quản lý nhà nước về giám định tư pháp của Bộ Tư pháp có hiệu quả và đi vào thực chất, khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời góp phần tăng cường và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giám định tư pháp. Chú trọng, bảo đảm cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả và các thông tin, số liệu về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp đáp ứng kịp thời, sát thực tế; hình thành cơ sở dữ liệu về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp, có sự kết nối, liên thông với các Bộ, ngành chủ quản, các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan tiến hành tố tụng.

Nhiệm vụ và giải pháp của Đề án tập trung nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ về giám định tư pháp; Tăng cường vai trò đầu mối, tham mưu giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp; Tăng cường cơ chế phối hợp, xây dựng cơ chế thông tin thông suốt; kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ hoạt động quản lý giám định tư pháp của Bộ Tư pháp…

 

 

Kết luận buổi tọa đàm, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết, giám định tư pháp là một hoạt động nằm ở tất cả các lĩnh vực, khi cơ quan tố tụng trưng cầu thì các B, ngành đều phải tiến hành giám định. Yêu cầu đặt ra là làm sao để kết nối những hoạt động này với nhau đang là một vấn đề nan giải. Một trong những nguyên nhân làm cho giám định tư pháp chưa hiệu quả là nguồn lực không bảo đảm ở Bộ Tư pháp nói riêng và ở các bộ ngành địa phương khác nói chung. Đề án nhằm mục đích bảo đảm nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng công tác giám định tư pháp trong Bộ Tư pháp. Vấn đề thẩm quyền phê duyệt đề án thuộc Bộ Tư pháp hay Chính phủ cũng cần được cân nhắc nghiên cứu. Đồng chí đề nghị cần tập trung đánh giá thực trạng nguồn lực và yêu cầu đặt ra, đồng thời nhìn thẳng vào những yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới…