Hội thảo lấy ý kiến đóng góp chương trình thí điểm đào tạo chung

24/07/2014
Hội thảo lấy ý kiến đóng góp chương trình thí điểm đào tạo chung
Ngày 23/7, Học viện Tư pháp đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho chương trình thí điểm đào tạo chung nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Tham dự Hội thảo là các đại biểu đến từ nhiều cơ quan chức năng, các giảng viên giàu kinh nghiệm đã tham gia giảng dạy các lớp đào tạo nghiệp vụ các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp trong hơn 15 năm qua.

Chương trình thí điểm đào tạo chung nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư là chương trình đào tạo lần đầu được áp dụng tại Việt Nam. Chương trình được xây dựng theo xu thế hội nhập quốc tế, có sự tham khảo chọn lọc kinh nghiệm đào tạo chức danh tư pháp của các nước trên thế giới như Pháp, Đức, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Chương trình vừa đảm bảo trang bị cho học viên nền tảng kiến thức chung vừa đảm bảo được sự tương đồng và riêng biệt về đặc thù nghề nghiệp cốt lõi của từng chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.

Mục tiêu của chương trình thí điểm đào tạo chung là đào tạo nguồn bổ nhiệm chức danh có kiến thức, kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp cơ bản, toàn diện để có thể trở thành Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, góp phần tạo sự đột phá trong đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu “thu hút, tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ đức đủ tài vào làm việc ở các cơ quan tư pháp”, đồng thời góp phần xây dựng nguồn tư pháp có chất lượng cao phục vụ cho công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền và chiến lược hội nhập quốc tế của đất nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận 3 vấn đề chính: Chương trình có đáp ứng được yêu cầu, nội dung cơ cấu chương trình đào tạo và vấn đề triển khai phối hợp với các đơn vị chức năng.

Học viện Tư pháp đánh giá cao và tiếp thu ý kiến của các chuyên gia đóng góp cho chương trình thí điểm đào tạo chung các chức danh tư pháp. Xây dựng thành công Chương trình thí điểm có thể là cơ sở để phát triển, nâng cấp, tích hợp xây dựng Chương trình đào tạo thạc sỹ luật phù hợp với khung pháp luật giáo dục đại học hiện hành của Việt Nam, tạo bước đột phá về chiến lược đào tạo pháp luật và nghề luật ở Việt Nam trong thời gian tới, đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam.