Hội thảo Thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

19/06/2014
Hội thảo Thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Ngày 17/6, trong khuôn khổ Dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo Thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm phục vụ dự kiến mở rộng phạm vi điều chỉnh của đạo luật này.

Đại diện Tổ biên tập cho biết, công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật là hai hoạt động có mối quan hệ tương tác lẫn nhau, góp phần đưa văn bản quy phạm pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả trong thực tế đời sống xã hội, khắc phục việc thiếu quy định về thi hành pháp luật và tình trạng tản mạn của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoàn thiện hệ thống pháp luật. Vì vậy, để bảo đảm sự gắn kết giữa hai công tác này, Dự thảo Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh so với 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004.

Theo dự kiến, ngoài việc quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Dự thảo Luật sẽ có quy định về tổ chức triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật, giải thích văn bản quy phạm pháp luật, giám sát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, hợp nhất, rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hóa, dịch văn bản quy phạm pháp luật cũng như quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn và nội luật hóa điều ước quốc tế. Riêng vấn đề thi hành văn bản quy phạm pháp luật, Dự thảo chỉ quy định một số vấn đề chung như nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong tổ chức thi hành và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật, giám sát, kiểm tra việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh này phù hợp với tầm quan trọng đặc biệt của công tác tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật, xử lý văn bản trái pháp luật đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013

Các chuyên gia trong và ngoài ngành Tư pháp đã có những phản biện hết sức quý báu để Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu xây dựng Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh một số ý kiến tán thành thì cũng có chuyên gia cho rằng, nếu xây dựng như định hướng trên, dự luật này sẽ đồ sộ không khác một bộ luật, điều chỉnh tất cả các vấn đề liên quan đến công tác văn bản là không phù hợp, chỉ nên làm từng luật nhỏ. Ngoài ra, ông Cao Xuân Phong (Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) không ủng hộ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn vì cho rằng việc rút gọn quy trình không đồng nghĩa với việc làm luật nhanh hơn.

Qua trao đổi tại Hội thảo cũng cho thấy, có hai quan điểm khác nhau về vấn đề tổ chức thi hành pháp luật. Loại quan điểm thứ nhất đề nghị, chỉ quy định mang tính nguyên tắc các nội dung về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật, giám sát, kiểm tra, rà soát, hợp nhất, pháp điển. Việc thực hiện cụ thể sẽ theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện đang có hiệu lực. Ngược lại, loại quan điểm thứ hai đồng tình với sự cần thiết quy định cụ thể ngay trong Dự thảo Luật các nội dung về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật, giám sát, kiểm tra, rà soát, hợp nhất, pháp điển và bãi bỏ các văn bản hiện hành.

Cẩm Vân