Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức tọa đàm về quyền kết hôn giữa những người cùng giới tính

05/11/2013
Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức tọa đàm về quyền kết hôn giữa những người cùng giới tính
“Quyền kết hôn của những người cùng giới tính” là vấn đề nóng bỏng, được đông đảo dư luận, báo chí, pháp luật trên thế giới quan tâm và đề cập  nhiều trong khoảng vài thập kỷ trở lại đây. Trong bối cảnh sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 với dự thảo bỏ quy định tại khoản 5 Điều 10 “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” thay bằng quy định “không thừa nhận việc kết hôn giữa những người cùng giới tính”.

Bên cạnh đó, hiện nay tại Việt Nam hôn nhân cùng giới đang diễn ra, nhiều người trong giới LGBT đã công khai, sống thật với con người của mình. Tất cả những điều đó đã dấy lên trong xã hội nhiều quan điểm trái chiều về việc có nên mở cánh cửa hôn nhân cho những người cùng giới hay vẫn giữ nguyên quan điểm hôn nhân là việc kết đôi giữa nam và nữ. Với ý nghĩa đó, ngày 30 tháng 10 năm 2013, Liên chi đoàn Khoa Pháp luật dân sự Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức chương trình Tọa đàm mang tên “LGBT – Quyền kết hôn giữa những người cùng giới tính” với mục đích mở rộng, chia sẻ cho sinh viên những kiến thức, nhận thức xung quanh vấn đề về cộng đồng LGBT; nghe và thảo luận cùng các chuyên gia những quan điểm pháp luật về hôn nhân cùng giới.

Về phía khách mời tham dự chương trình có ThS. Nguyễn Hồng Hải - Trưởng Phòng pháp luật dân sự, Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế, Bộ Tư pháp; ThS. Trương Hồng Quang, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; bạn Hoàng Khánh Linh, đại diện nhóm 6+ - “Nhóm kết nối đa dạng tính dục”, hoạt động về giới LGBT. Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có TS. Nguyễn Văn Cừ - Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa Pháp luật dân sự; đại diện các khoa, phòng cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu và tập thể giảng viên Khoa Pháp luật dân sự. Bên cạnh đó, Tọa đàm cũng nhận được đông đảo sự quan tâm từ sinh viên các khóa của Trường. ThS. Phạm Thị Thanh Nga, Phó bí thư Đoàn Trường, giảng viên Bộ môn lý luận nhà nước và pháp luật chủ trì chương trình. 

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Văn Cừ đã nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các vị đại biểu, các vị khách quý, đặc biệt là các chuyên gia pháp luật và xã hội đến để cùng giao lưu với chương trình.

Các khán giả đã cùng sôi nổi, cuốn hút theo phần Tranh luận giữa các sinh viên trong chương trình. 10 thành viên tương ứng với hai đội Ủng hộ, Phản đối đã đứng lên cùng tranh luận, nói lên tiếng nói của bản thân về việc pháp luật có nên hay không thừa nhận quyền kết hôn giữa những người cùng giới tính. Những vấn đề nhảy cảm được các bạn sinh viên trình bày, tranh luận tế nhị và khéo léo đã đem lại không khí sôi nổi và nhiều thông tin bổ ích cho chương trình.

Sau phần tranh luận của các bạn sinh viên, khán giả của Tọa đàm được lắng nghe ý kiến của 4 vị khách mời về những vấn đề đang gây tranh cãi trong cộng đồng LGBT. Những kiến thức về LGBT đã được các chuyên gia trình bày, phân tích rõ. Việc pháp luật có nên thừa nhận quyền kết hôn giữa những người cùng giới tính cũng được 4 vị khách mời nêu quan điểm tích cực, tiêu cực; vai trò của pháp luật trong việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới cũng như tác động của xã hội tới vấn đề này như thế nào. Phần trao đổi rất sôi nổi giữa chính các chuyên gia và người dẫn chương trình và đặc biệt hấp dẫn với những trao đổi trực tiếp giữa chuyên gia và khán giả. Dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng các vị khách mời đều thống nhất cho rằng cần có lộ trình để xã hội từng bước thừa nhận vấn đề này.

Bế mạc chương trình, đại diện BTC chương trình đã cảm ơn sự có mặt của các vị đại biểu, các chuyên gia đến tham dự buổi Tọa đàm. Những thảo luận, trao đổi chuyên sâu có được từ Tọa đàm về việc pháp luật có nên thừa nhận quyền kết hôn giữa những người cùng giới tính chắc chắn sẽ là nguồn tư liệu tham khảo quý báu dành cho những người nghiên cứu khoa học, những người tham gia các hoạt động thực tiễn liên quan đến giới LGBT và đặc biệt là đối với các sinh viên đang trong quá trình học tập và tìm hiểu về hệ thống pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó việc tổ chức Tọa đàm là hoạt động thiết thực góp phần tích cực vào việc đề xuất các kiến nghị sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình và Hiến pháp Việt Nam sắp tới./

Nguyễn Sơn Tùng