Cục Công tác phía Nam tiếp tục triển khai Kế hoạch kiểm tra tình hình hoạt động tư pháp và Thi hành án dân sự địa phương năm 2013

30/09/2013
Cục Công tác phía Nam tiếp tục triển khai Kế hoạch kiểm tra tình hình hoạt động tư pháp và Thi hành án dân sự địa phương năm 2013
Thực hiện Quyết định số 1684/QĐ-BTP ngày 05/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Cục Công tác phía Nam (Cục CTPN), Kế hoạch 313/KH-CCTPN ngày 27/8/2013 Của Cục CTPN về Kế hoạch kiểm tra tình hình hoạt động tư pháp và thi hành án dân sự  (THADS) địa phương năm 2013, từ ngày 23/9/2013 đến ngày 26/9/2013, Cục CTPN tiếp tục tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động tư pháp và THADS tại các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang và Sóc Trăng.

Về công tác tư pháp

Qua quá trình kiểm tra tình hình hoạt động tư pháp Cục CTPN nhận thấy, nhiều hoạt động tư pháp địa phương như giúp Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và tổng kết thi hành các luật; công tác văn bản; công tác hành chính tư pháp; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp; công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính… đã được triển khai cơ bản và toàn diện; đặc biệt, các nhiệm vụ trọng tâm năm 2013 đều được tư pháp địa phương quan tâm cao, điển hình như:

Sở Tư pháp Bến Tre đã làm tốt công tác phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế để thực hiện các nhiệm vụ mới được giao như: lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, theo dõi thi hành pháp luật, xử lý vi phạm hành chính, kiện toàn tổ chức và ổn định hoạt động của Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính. Hiện nay, Sở Tư pháp Bến Tre đã có 07 phòng nghiệp vụ (chưa tính phòng Kiểm soát thủ tục hành chính) với 68 biên chế (trong đó có 09/68 người có trình độ Thạc sỹ, đứng thứ 02 trong khu vực phía Nam, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh). Bến Tre cũng là địa phương trong Khu vực có tỷ lệ cao nhất trong việc bố trí được 161/164 xã, phường, thị trấn có từ 02 công chức tư pháp - hộ tịch (đạt 98,1%).

Tại tỉnh Đồng Tháp, công tác phổ biến giáo dục pháp luật được Sở Tư pháp đặc biệt quan tâm, điển hình như việc trang bị máy vi tính có nối mạng từ tỉnh đến huyện và các xã, phường, thị trấn giúp cán bộ, công chức trong toàn tỉnh trực tiếp nhận được chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ từ cấp trên một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp tỉnh cũng đã phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, tranh thủ giờ giải lao, thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật cho nhân dân tại các phiên tòa lưu động. Cục trưởng Cục CTPN đã nhận định “Sở Tư pháp Đồng Tháp đã có nhiều cách làm hay, thông minh và tốn ít sức” trong công tác này.

Về xã hội hóa hoạt động công chứng, theo kế hoạch năm 2013, An Giang là địa phương có công tác xã hội hóa hoạt động công chứng đúng quy hoạch. Các tổ chức hành nghề công chứng được thành lập sớm so với thời gian quy định và phủ đều tại các địa phương trong tỉnh đáp ứng kịp thời yêu cầu của người dân.

Về xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật, tỉnh Sóc Trăng đã có giải pháp đột phá nhằm tạo cơ chế thống nhất, hiệu quả như gắn kết giữa xây dựng và thi hành pháp luật, chuyển hướng từ tập trung xây dựng thể chế sang tập trung thi hành thể chế hoặc gắn kết giữa theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tư vấn áp dụng văn bản.

Bên cạnh việc biểu dương, ghi nhận những kết quả đã đạt được của tư pháp các địa phương, Cục trưởng Lê Tiến Châu cũng lưu ý các địa phương một số vấn đề như: tại Bến Tre có số lượng ban hành văn bản chiếm tỷ lệ thấp dù đã gần hết quý III/2013 và công tác xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp phát triển còn chậm; Sở Tư pháp An Giang phải sớm có kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể triển khai các tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020; Đề nghị Đồng Tháp quan tâm hơn nữa công tác xã hội hóa các hoạt động công chứng để đảm bảo đúng lộ trình quy hoạch đã được phê duyệt; Đề nghị Sóc Trăng sớm kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức…

Về công tác THADS

Theo báo cáo về tình hình THADS tại 3 tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng và Bến Tre, Cục THADS tỉnh Đồng Tháp đã thi hành xong về việc đạt tỷ lệ 85,9%, về giá trị đạt 73,9%; cơ cấu tổ chức, cán bộ của Cục, các Chi cục tiếp tục được kiện toàn. Cục THADS và các Chi cục THADS các huyện, thành phố Bến Tre đã bám sát các chương trình kế hoạch của Tổng cục THADS, tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh để xây dựng triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến nay, đã thi hành xong về việc đạt tỷ lệ 84,07%, về giá trị đạt tỷ lệ 65,62%. Tại tỉnh Sóc Trăng, mặc dù Cục THADS tỉnh Sóc Trăng có tỷ lệ thi hành xong về việc cao (71,91%), nhưng tỷ lệ thi hành xong về giá trị còn khiêm tốn (32,56%).

Cục trưởng Cục CTPN nhận định, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, công việc phát sinh nhiều, chỉ tiêu nhiệm vụ được giao cao hơn, số lượng án thụ lý và phải thi hành tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng với sự quyết tâm nỗ lực của đội ngũ cán bộ và tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong công tác năm 2012, ngay từ đầu năm, các Cục THADS đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các mặt công tác. Tuy nhiên, công tác THADS vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần phải tiếp tục kiện toàn như: công tác cán bộ, kiểm tra chuyên sâu về công tác quản lý tài chính, các hạn chế trong chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án, và cần có kế hoạch phát động thi đua và khen thưởng kịp thời…

Qua quá trình kiểm tra, Cục trưởng Cục CTPN đánh giá cao và biểu dương những kết quả về công tác Tư pháp và THADS mà các địa phương đã đạt được. Đồng thời, Cục CTPN cũng đã phát hiện được những cách làm hay, sáng tạo và những khó khăn, vướng mắc để kịp thời kiến nghị, đề xuất Lãnh đạo Bộ có ý kiến chỉ đạo...

Tin từ Cục Công tác phía Nam