Người dân đã có sự tin tưởng lớn với công tác “hậu kiểm”
* Với ông, 10 năm qua, công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL đã để lại những dấu ấn nào trong 10 năm qua?
Từ năm 2002, khi được Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao nghiên cứu về vấn đề này và thấy rằng, một chế định mang tính Hiến định và luật định đã không được quan tâm để tạo lập bộ máy tham mưu, cũng như cơ chế để giúp Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp hủy bỏ, bãi bỏ sai trái của cấp dưới. Người ta hay nói đến cơ chế kiểm sát chung của VKSND để so sánh nhưng theo tôi, khi VKSND không còn được giao chức năng kiểm sát chung, trong đó có kiểm sát VB chỉ là một “nguyên cớ” buộc nhanh chóng xây dựng cơ chế để thay thế bên phía các cơ quan hành chính nhà nước. Nên từ năm 2003, cơ chế kiểm tra, xử lý VB do các Bộ, ngành và địa phương ban hành đã được tạo lập theo Nghị định số 135/2003/NĐ-CP (sau này được thay thế bằng Nghị định số 40/2010/NĐ-CP). Đây là một chế định rất quan trọng mà chúng ta đã lãng quên hơn 50 năm nay.
Có thể nói, 10 năm triển khai cơ chế “hậu kiểm” là 10 năm tác nghiệp thắng lợi, tác động một cách toàn diện, sâu sắc đến toàn bộ cơ chế xây dựng, hoàn thiện hệ thống PL của Nhà nước ta. Từ chỗ đơn giản, tùy tiện, trong nhiều năm gần đây, người ta đã cẩn trọng hơn trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo, xem xét, ban hành VBQPPL. Sai trái vẫn còn, nhưng có thể nói, những sai trái lớn, nghiêm trọng như hồi đầu triển khai công tác này, hiện nay ngày càng ít đi. Các cơ quan, tổ chức, công dân từ chỗ e ngại, nghi ngờ, đến nay có thể nói đã có sự tin tưởng lớn đối với công tác “hậu kiểm” của chúng tôi.
Mặt khác, 10 năm cũng đủ để khẳng định đây là công tác hết sức khó khăn, gian khổ, đụng chạm, đòi hỏi người làm công tác này phải có trình độ, bản lĩnh và quan trọng hơn là phải có tâm vì sự nghiệp chung thì mới trụ được và thực hiện công việc này có hiệu quả. Trong 10 năm qua, các cơ quan kiểm tra VB trong cả nước đã tiếp nhận, kiểm tra trên 1,7 triệu VB, phát hiện trên 50.000 VB sai trái ở mức độ khác nhau. Riêng Cục đã tiếp nhận, kiểm tra trên 27.000 VB, phát hiện trên 4.800 VB sai trái ở các mức độ khác nhau.
“Tôi luôn mơ đến cơ chế tài phán cho việc xử lý VB trái PL”
* Qua 10 năm làm công tác kiểm tra VBQPPL, theo ông, những vấn đề gì đã tạo thành “rào cản” cho công tác này?
Có thể nói rào cản cũng không ít. Cá nhân tôi nhiều khi cũng rất tâm tư. Việc khó, đụng chạm, đòi hỏi trình độ bản lĩnh thì mình phải làm tốt. Thực tế 10 năm qua chúng tôi đã làm rất tốt, có hiệu quả, được dư luận đồng tình hoan nghênh. Tôi có thêm một nghệ danh là “ông Sơn “kiểm tra VB”, “Cục trưởng tuýt còi”. Tuy vậy, khối lượng VB phải kiểm tra hết sức đồ sộ, đòi hỏi phải có nhiều phương thức, biện pháp mới hoàn thành tốt được trong khi cán bộ làm công tác này còn quá khiêm tốn cả về số lượng, trình độ, kiến thức và bản lĩnh.
Cơ chế “hậu kiểm” thiếu sức mạnh cần thiết vì quyền của chúng tôi chỉ dừng ở mức tham mưu, thông báo kiến nghị, không có quyền trực tiếp xử lý, hủy bỏ, bãi bỏ. Nên tôi luôn mơ đến cơ chế tài phán mà nhiều nước đã sử dụng từ lâu như cơ chế bảo hiến, cơ chế tuyên hủy của tòa đối với VB trái PL. Điều kiện kinh phí phục vụ cho tác nghiệp cũng hết sức hạn hẹp. Sự hỗ trợ kinh phí tài chính từ các nguồn còn hết sức hạn chếm khiêm tốn, chính sách cho anh em làm công tác kiểm tra VBQPPL còn bất cập. Cơ chế phối hợp còn lỏng lẻo, thiếu sự gắn kết cần thiết.
Đặc biệt là tâm lý e ngại, nể nang, né tránh của một số người có trách nhiệm, kể cả phía ban hành VB sai cũng như phía có thẩm quyền xử lý VB đó. Từ cán bộ, công chức tác nghiệp, nghiệp vụ hàng ngày cũng như phía có thẩm quyền điều hành, chỉ đạo vẫn còn nhiều e ngại, nể nang. Chúng tôi không biết làm sao, chỉ biết cố gắng vượt qua.Và nhân dịp này cũng thấy này cũng thấy những cố gắng, công sức của mình đã được ghi nhận ở mức này, mức khác. Đó là điều đáng mừng.
Chưa bao giờ chúng tôi phải “bó tay”!
* Cục đã có biện pháp gì để vượt qua những khó khăn đó, nhất là trong điều kiện số lượng VB QPPL có dấu hiệu trái PL ngày càng tăng như hiện nay?
Có thể nói hàng loạt giải pháp đã được suy nghĩ, trăn trở, đưa ra thực thi để vượt qua cả “núi” công việc đầy gian khó. Nếu không chú ý các giải pháp này thì điều tôi ngại nhất là công tác kiểm tác sẽ chỉ được như “cô Cám nhặt sạn” một cách hình thức, chiếu lệ, đối phó. Tôi là người cầm trịch toàn bộ công việc nhưng hàng ngày cũng phải vào cuộc tác nghiệp trực tiếp với anh em.
Động viên anh em là việc đương nhiên. Chúng tôi cũng phải có phương thức thích hợp để huy động các chuyên gia, những người có kinh nghiệm, trình độ “vào cuộc”, phải sử dụng nhiều phương thức, biện pháp như kiểm tra VB nhận được, kiểm tra theo chuyên đề địa bàn, kiểm tra liên ngành tại các Bộ, ngành, địa phương nơi có VB. Thậm chí, nhiều lúc phải sử dụng biện pháp kiểm tra chéo mới bảo đảm hiệu quả. Chúng tôi cũng rất chú ý tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các cấp lãnh đạo và đáng mừng trong thời gian qua sự quan tâm này cũng đã giúp chúng tôi rất nhiều vượt qua những khó khăn, rào cản.
* Đã bao giờ Cục “bó tay” trước thái độ “thờ ơ, bất hợp tác” trong quá trình xử lý VBQPPL sai trái của cơ quan ban hành VB?
Nhiều lúc cũng thấy thật khó, tưởng như không vượt qua được nhưng 10 năm qua, tôi thấy rằng, chưa bao giờ chúng tôi phải “bó tay”. Nhiều khi phải thuyết phục cả cơ quan ban hành VB sai trái lẫn những người có thẩm quyền xử lý công việc. Có những VB phải họp đi họp lại đến 7-8 lần... Chúng tôi đã cố gắng bóc tách, phân loại từng loại, từng mức độ sai phạm để có biện pháp xử lý thích hợp. Có trường hợp chỉ nêu vấn đề để người ta đính chính, rút kinh nghiệm trong soạn thảo, không để sai tiếp. Nhiều trường hợp chúng tôi mời đến họp, thảo luận. Người ta nhận ra nội dung sai ngay và xin được tự xử lý ngay, không cần phải thông báo rùm beng. Chỉ một số rất ít, cá biệt buộc chúng tôi phải có thông báo và quá trình xử lý một số VB cũng hết sức “gian khổ”.
Cần sự quan tâm đầy đủ, toàn diện, thực chất hơn nữa
* Vậy theo ông, sẽ cần những giải pháp, định hướng gì để công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL phát huy hơn nữa hiệu quả trong thời gian tới?
Trăn trở thì nhiều. Tâm tư cũng không ít. Tuy vậy “nghiệp đã buộc vào thân” thì phải tìm cách vượt qua. Như trên đã nói tôi mơ một cơ chế tài phán có hiệu quả. Tôi cũng mong một sự quan tâm đầy đủ, toàn diện, thực chất hơn nữa để tạo điều kiện cho anh em được tác nghiệp thuận lợi.
Giải pháp và định hướng thì nhiều và cần phải tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện thể chế; tổ chức, bộ máy, nhân sự cả về số lượng và chất lượng người làm công tác này. Xác lập được một cơ chế phối hợp thật tốt giữa các cơ quan có liên quan. Nâng cao trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả, thiệt hại do việc áp dụng VB trái PL gây ra. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra VB có trọng tâm, trọng điểm, bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Khai thác hiệu quả nguồn thông tin về VB qua các phương tiện thông tin đại chúng, phản ánh của dưa luận, phản biện xã hội về tình hình xung quanh hoạt động ban hành, thực thi VB, kịp thời xử lý các thông tin về VB có dấu hiệu trái PL, cũng như tăng cường vai trò của tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan tư pháp địa phương...
Trân trọng cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)
10 sự kiện nổi bật về kiểm tra VB trong 10 năm hoạt động (2003 - 2013)
1. Tham mưu để Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp tạo lập, hoàn thiện thể chế về kiểm tra, xử lý VBQPPL.
2. Phát hiện, kiến nghị xử lý 46 VB trái PL của 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định về ưu đãi, khuyến khích đầu tư.
3. Phát hiện, xử lý 91 VB trái PL của 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
4. Tham mưu để Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - lần đầu tiên trong lịch sử - đình chỉ thi hành nhiều VB trái PL do địa phương ban hành
5. Phát hiện và kiến nghị xử lý 20 VB quy định trái PL về bán đấu giá tài sản.
6. Xử lý các VB hành chính cá biệt có chứa QPPL, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, doanh nghiệp.
7. Kiến nghị xử lý một số VB liên quan đến phương tiện giao thông và người điều khiển phương tiên giao thông
8. Kiến nghị xử lý một số VB có quy định hạn chế quyền được hưởng chế độ, chính sách của người cao tuổi; quy định gây khó khăn cho người được hưởng bảo hiểm xã hội khi bị tai nạn giao thông; quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu
9. Kiến nghị xử lý một số quy định địa phương hạn chế nhập cư vào nội thành trái Luật Cư trú; quy định đưa người sử dụng tái phép chất ma túy vào trại cai nghiện trái với quy định của Luật Phòng, chống ma túy.
10. Phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời quy định cấm vận chuyển gia súc, gia cầm vào nội thành, nội thị của 01 địa phương.
(Quyết định 214/QĐ/KTrVB (ngày 23/8/2013) của Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp) |