Nghiệm thu Đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế định Chính phủ trong Hiến pháp năm 1992”

21/08/2013
Ngày 15 tháng 8 năm 2013, Viện Khoa học pháp lý đã tổ chức nghiệm thu Đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế định Chính phủ trong Hiến pháp năm 1992” do ThS. Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính, Bộ Tư pháp làm chủ nhiệm theo Quyết định số 1923/QĐ-BTP ngày 24 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Hiến pháp với tư cách là đạo luật gốc của một quốc gia, vừa là bản Hiến chương thể hiện chủ thuyết về phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, vừa là nền tảng chính trị - pháp lý để bảo đảm cho sự phát triển ổn định, lâu dài của một quốc gia, dân tộc. Lịch sử lập Hiến của Việt Nam đã có bốn bản Hiến pháp (Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001), mỗi bản Hiến pháp có vai trò nhất định đối với mỗi giai đoạn phát triển của đất nước. Liên quan đến chế định Chính phủ, Hiến pháp hiện hành đã dành một chương (chương VIII, từ Điều 109 đến Điều 117) quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, làm cơ sở cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ trong bối cảnh mới.  Kết quả nghiên cứu đề tài thực sự là những đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn có tính tham khảo cho việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung chế định Chính phủ phục vụ cho quá trình nghiên cứu hoàn thiện Dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi).

Với mục tiêu nghiên cứu đề tài là nghiên cứu các quy định liên quan đến chế định Chính phủ trong Hiến pháp năm 1992 nhằm kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và trách nhiệm của Chính phủ, giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác bảo đảm nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền, nâng cao vai trò, vị thế và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ.

Đề thực hiện mục tiêu nghiên cứu trên, đề tài đã tập trung vào làm rõ các nội dung nghiên cứu sau: tập trung nghiên cứu các quy định của Hiến pháp năm 1992 về Chính phủ, đánh giá những ưu điểm, hạn chế trong lý luận cũng như thực tiễn thi hành, tham khảo kinh nghiệm hiến pháp nước ngoài, qua đó kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Cụ thể, đề tài tập trung vào các nội dung nghiên cứu chính là vị trí, chức năng của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và trách nhiệm của Chính phủ; mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan nhà nước khác.

Các ý kiến của thành viên hội đồng nghiệm thu đều đánh giá cao giá trị khoa học của đề tài nghiên cứu. Đề tài đã phân tích mô hình Chính phủ trong nhà nước pháp quyền bằng cách đề cập các vấn đề lý luận chung cùng kinh nghiệm của một số quốc gia điển hình là rất hợp lý. Bên cạnh đó, đề tài cũng đã thành công khi mô tả lược sử phát triển chế định Chính phủ Việt Nam qua các bản Hiến pháp, làm rõ cơ sở lý luận của mô hình Chính phủ hiện hành theo Hiến pháp năm 1992. Các đề xuất và kiến nghị của đề tài có giá trị tham khảo tốt, có thể ứng dụng trực tiếp cho việc tham gia góp ý sửa đổi các quy định về Chính phủ trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật tổ chức bộ máy nhà nước như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân hoặc Luật Tổ chức chính quyền địa phương).

Ngoài ra, Hội đồng nghiệm thu cũng đã đưa ra những kiến nghị để ban chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu về các nội dung như cung cấp sâu thêm về các vấn đề lý luận của mô hình Chính phủ ở các chính thể đại nghị, nghiên cứu này rất có ý nghĩa trong việc hoàn thiện chế định Chính phủ trong Hiến pháp sửa đổi. Bên cạnh đó, phần nghiên cứu về lịch sử chế định này qua các bản Hiến pháp mới chỉ dừng lại mang tính hệ thống hóa Hiến pháp qua các thời kỳ, mới chỉ phát hiện sự khác nhau, chưa thực sự lý giải được nguyên do của các vấn đề nghiên cứu.

Với kết quả nghiên cứu đã đạt được, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá xếp loại đề tài đạt loại Khá.